(HNM) - “Khát” vốn nên cùng với việc huy động tiền gửi với lãi suất cao, một số ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi. Tuy nhiên, sẽ là rủi ro khi lãi suất được một số tổ chức tín dụng áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi ở mức quá cao.
Không còn dè dặt với lãi suất 5-6%/năm như trước, khoảng vài tuần trở lại đây, lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi cao đột biến, có ngân hàng áp dụng mức 9-10%/năm, thậm chí cao hơn. Mặt bằng lãi suất cao đang áp dụng với các kỳ hạn dài, dành cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng, đã tạo "đường cong lãi suất", tức là hình thành lãi suất khác nhau giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, đà tăng quá nhanh của kỳ hạn dài được cho là nguy hiểm, vì khi một ngân hàng điều chỉnh lãi suất, các ngân hàng khác cũng sẽ phải chạy đua để cạnh tranh nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. Cho đến nay, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng đã vượt qua 10%/năm.
Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) đưa ra lãi suất cao nhất lên đến 10,2%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 5 năm cho cá nhân và tổ chức. Các kỳ hạn 24-48 tháng có lãi suất 9,5-10%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng với lãi suất 9,1%/năm, trong khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) áp dụng lãi suất này với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Những ngân hàng khác trong hệ thống cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất quanh ngưỡng 9%/năm cho các kỳ hạn 24-36 tháng.
Lý giải cho việc một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIB cho biết, VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 5 năm nhằm tăng vốn cấp 2 (thước đo tiềm lực tài chính của một ngân hàng liên quan đến các dạng nguồn lực tài chính có độ tin cậy ở hàng thứ 2). Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 5 năm nếu đáp ứng một số quy định, có thể bổ sung vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24-48 tháng với lãi suất cao nhằm huy động vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu kinh doanh thời gian tới. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-1-2019, ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 45% xuống 40%; tỷ lệ này có thể giảm xuống 30-35% trong thời gian tới.
Mặc dù lãi suất cao chỉ áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi, tức là một hình thức gửi tiền với kỳ hạn dài, nhưng việc các ngân hàng đưa ra lãi suất “đầu vào” cao khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hay khách hàng cá nhân lo ngại lãi suất “đầu ra” sẽ cao. Nếu lãi suất huy động cao nhất là 10%/năm, lãi suất cho vay có thể lên đến 14%/năm, thậm chí là hơn và đây sẽ là "gánh nặng" đối với người vay.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng Anh (tòa nhà B khu Imperia Garden, 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cho biết: "Gia đình tôi đang vay vốn mua nhà trả góp trong 20 năm. Khi ký hợp đồng vay vốn, ngoại trừ năm đầu tiên được hưởng mức lãi suất ưu đãi là 0%, những năm sau đó lãi suất sẽ áp dụng theo lãi suất thị trường và ngân hàng có quyền thay đổi sau mỗi 6 tháng. Với lãi suất huy động tăng nhanh như hiện nay, gánh nặng lãi suất đối với những khách hàng cá nhân vay vốn là quá lớn".
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn trung, dài hạn thời gian gần đây cho thấy, "nhà băng" đang chịu áp lực từ việc Ngân hàng Nhà nước siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Tuy nhiên, lãi suất đang ở "đỉnh" và khó có thể tăng thêm.
Trước việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất với hình thức huy động vốn từ chứng chỉ tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng. Trong văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh, động thái tăng lãi suất này sẽ tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng của tổ chức tín dụng vi phạm - chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ. Theo đó, các ngân hàng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, phù hợp khả năng cân đối vốn, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định và mặt bằng lãi suất trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.