(HNM) - Công tác bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị được đặt trước yêu cầu cao và Công an Hà Nội đã, đang huy động tối đa lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ…
Từ tháng 11, cùng với việc thực hiện Mệnh lệnh số 01 của Giám đốc CATP, các đơn vị nghiệp vụ, nòng cốt là Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã huy động tối đa lực lượng cho việc giữ gìn trật tự ATGT, nhất là việc cố gắng giảm ùn tắc. Tại các nút giao thông trọng điểm, công tác chỉ huy, hướng dẫn giao thông còn có sự góp mặt của Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Cảnh sát trật tự (CSTT). CA các quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huy động lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố, thanh niên tình nguyện tăng cường phối hợp với lực lượng CA tham gia thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm trật tự ATGT.
Sự phối hợp chặt chẽ của Công an Hà Nội đã góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Phạm Hải |
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT cho biết, ngoài toàn bộ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc các đội Tuần tra giao thông, đơn vị đã huy động thêm 20% CBCS đội Tham mưu, 10% CBCS đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, 10% CBCS đội Đăng ký và quản lý phương tiện và CBCS đội Tuần tra dẫn đoàn tham gia điều khiển, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Phòng CSTT cũng bố trí 100% CBCS thuộc các đội Tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự công cộng. Trung đoàn CSCĐ cũng tăng cường 200 CBCS xuống đường...
Với lực lượng đông đảo, tại 361 vị trí có nguy cơ ùn tắc và 86 nút giao thông trọng điểm trong khu vực nội thành luôn có mặt lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ cắm chốt phòng, chống ùn tắc giao thông giờ cao điểm, lực lượng CSGT còn phối hợp CSCĐ thành lập các tổ công tác sử dụng xe mô tô tham gia tuần tra kiểm soát lưu động trên các tuyến giao thông trọng điểm để kịp thời xử lý, giải quyết các trường hợp tai nạn giao thông, các sự cố bất ngờ phát sinh gây cản trở giao thông trên địa bàn nội thành.
Kết quả đạt được bước đầu rất đáng ghi nhận, song CATP nhận định tình hình trật tự ATGT những ngày cuối năm còn nhiều thách thức. Hiện, trên địa bàn thành phố còn 44 điểm có nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông; 11 công trình lớn, trọng điểm đang thi công, với 27 điểm rào chắn sử dụng một phần lòng đường để phục vụ việc thi công. Bên cạnh đó, trong thời gian trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016, mật độ phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng cao, tập trung trên các tuyến quốc lộ, cửa ngõ ra, vào thành phố, trục đường hướng tâm, tuyến đường, tuyến phố chính, khu vực nhà ga, bến xe, bến tàu… Nguy cơ xảy ra mất trật tự ATGT trên địa bàn thành phố là dễ nhận thấy khi chỉ cần một sự cố nhỏ do va chạm giao thông, phương tiện hư hỏng cũng có thể là nguyên nhân ùn tắc.
Vì vậy, việc tăng cường lực lượng bảo đảm trật tự ATGT cần phải được đẩy lên tầng mức cao hơn. Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP đã yêu cầu Phòng CSGT, Phòng CSTT, Trung đoàn CSCĐ và CA các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan cũng như tập trung lực lượng vào các tuyến, nút, địa bàn "nóng" để phòng ngừa ùn tắc, tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc CATP cần chủ động phối hợp hiệu quả với lực lượng của Cục CSGT, CSGT CA các tỉnh giáp ranh bố trí lực lượng tổ chức phân luồng phương tiện từ xa trong các trường hợp lưu lượng phương tiện tăng đột biến, nhất là dịp trước, trong và sau tết Dương lịch, tết Nguyên đán Bính Thân...
Ngoài những biện pháp trên, CATP cam kết chủ động, phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân, qua đó góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.