Sáng 6-5, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của thành phố đã thực hiện kiểm tra đột xuất công tác an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Tân Thịnh Phát (xã Chu Minh, huyện Ba Vì).
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tân Thịnh Phát chuyên cắt, đóng gói, bảo quản thịt gia súc, thịt gia cầm; san chia, đóng gói bảo quản thủy sản đông lạnh, bảo quản khoai tây… Quá trình kiểm tra cho thấy, đơn vị này còn tồn tại nhiều vấn đề về công tác ATTP. Đơn cử, Công ty chưa xuất trình được Giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của 5 người.
Đáng chú ý, Công ty chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm thực phẩm đang có trong kho, bản tự công bố của 5 sản phẩm đang trong kho thành phẩm: Mực vòng, khoai lang kén, cá nục nguyên con, sụn lợn, cánh giữa gà.
Cùng với đó, khu vực sơ chế, chế biến còn sắp xếp lộn xộn, có ruồi trong khu vực sơ chế, kho không đủ giá kệ, thiếu chế độ vệ sinh tại kho và các tủ bảo quản. Nội dung ghi nhãn của 4 sản phẩm (đùi tỏi gà, mực ống làm sạch, ba chỉ bò, chân gà rút xương) không phù hợp với hồ sơ tự công bố…
Nêu rõ các lỗi vi phạm của đơn vị này, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của thành phố yêu cầu Công ty khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã làm việc với UBND huyện Ba Vì. Báo cáo Đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2025, cấp huyện đã kiểm tra 20 cơ sở, cấp xã, thị trấn kiểm tra 67 cơ sở. Kết hợp cùng hoạt động kiểm tra, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ huyện đến các xã, thị trấn. Các đơn vị trên địa bàn huyện Ba Vì tập trung hướng dẫn cách sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, do số lượng cơ sở thực phẩm trên địa bàn lớn, trong đó đa số là nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ nên huyện còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, việc kiểm tra, giám sát trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa được thường xuyên liên tục. Bên cạnh đó, nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua phương thức truyền thống thông qua chợ dân sinh, thói quen tiêu dùng của người dân chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy được đầu tư vào sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn...
Kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh chủ đề của Tháng hành động vì ATTP” năm 2025 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) là “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, Phó Chi Cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Nguyễn Quang Trung đề nghị Ban Chỉ đạo công tác ATTP huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt kịp thời đối với các đơn vị có hành vi vi phạm ATTP. Đồng thời, cần huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, người dân trong việc giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng thực phẩm không đảm bảo ATTP để có biện pháp xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.