An toàn thực phẩm

Hà Nội triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025: Áp dụng mức xử phạt cao nhất

Thu Trang 10/04/2025 - 13:09

Chủ trì hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” diễn ra sáng 10-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thành phố sẽ bắt đầu công tác kiểm tra từ ngày 15-4 và áp dụng xử phạt cao nhất trong thẩm quyền.

Xử phạt hơn 11 tỷ đồng 1.840 cơ sở vi phạm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn thành phố đã thành lập 704 đoàn kiểm tra. Kết quả, các đoàn đã kiểm tra được 12.358 cơ sở, trong đó có 10.469 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 84,7%) và xử phạt gần 2.000 cơ sở vi phạm với số tiền gần 9 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 7 cơ sở, buộc tiêu huỷ sản phẩm của 223 cơ sở.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2025, toàn thành phố cũng thành lập 681 đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra 16.063 cơ sở đã phát hiện 1.857 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt 1.840 cơ sở với số tiền hơn 11 tỷ đồng và nhắc nhở, cảnh cáo 17 cơ sở.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, trong giai đoạn từ năm 2010-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 30 vụ ngộ độc thực phẩm với 918 người mắc, trong đó có 19 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể (chiếm tỷ lệ 63,3%). Riêng ngộ độc bếp ăn tập thể trường học xảy ra 10 vụ (chiếm 33%), nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật (chiếm trên 40%).

quang-canh-hoi-nghi-ngay-10-4.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Trang

Qua việc triển khai các đợt cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm, theo đánh giá của Sở Y tế thành phố, các quận, huyện còn hạn chế trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, công tác kiểm tra tại một số đơn vị, đặc biệt là tuyến xã còn hạn chế. Thậm chí, có nơi khi triển khai các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm còn chưa có hình thức kiểm tra đột xuất, công tác xử lý vi phạm cũng chưa quyết liệt…

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cũng cho rằng, qua các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm cho thấy, việc tăng cường kiểm tra đột xuất mang lại hiệu quả tốt hơn. Do đó, phương thức kiểm tra này cần tiếp tục được tăng cường trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5). Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra cần triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

ong-hung-phat-bieu-ngay-10-4.jpg
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Trang

“Theo kết quả điều tra năm 2024, kiến thức về an toàn thực phẩm của người chế biến, kinh doanh thực phẩm đạt 83,6%. Do đó, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn thực phẩm của cộng đồng”, ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nhiều năm liên tục, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm từ rất sớm.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là hoạt động được triển khai thường xuyên, liên tục, không phải chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhằm huy động mọi nguồn lực và sức mạnh của cộng đồng tập trung triển khai một vấn đề trọng tâm nổi cộm thời gian gần đây.

Từ năm 2024 đến đầu năm 2025, tình hình ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học xảy ra nhiều hơn và gây nên những hậu quả đáng tiếc khiến dư luận xã hội bức xúc. Vì vậy, chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay được lựa chọn là “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Hùng Long đề nghị cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời đánh giá các thành phần, các chất có trong thực phẩm liệu có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh hay không, nhất là các loại thực phẩm như: Xiên nướng, xiên que, xiên “bẩn”… (?)

Hoan nghênh việc thành phố Hà Nội đã nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh, hành vi vi phạm nào liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng cần phải xử phạt thật nặng.

Kiểm tra đột xuất mang lại hiệu quả lớn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng, việc tăng mức xử phạt gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được quy định tại Luật Thủ đô đã thể hiện sự quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các cấp trong thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong những năm gần đây, ngoài việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, thành phố cũng quyết liệt triển khai nhiều chuyên đề, hoạt động thanh tra, kiểm tra… Đồng chí Vũ Thu Hà cho biết, trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024, thành phố triển khai đồng loạt các nhiệm vụ nhưng có các chuyên đề trọng tâm. Hai chuyên đề được thành phố tập trung làm sâu và làm quyết liệt, gồm: Một là bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học; hai là bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thảo
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh lại ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Trần Sỹ Thanh, đó là việc triển khai chuyên đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học “không có thời hạn” mà phải được triển khai liên tục và thường xuyên.

“Đối tượng trực tiếp chịu tác động của vấn đề an toàn thực phẩm trường học là thế hệ tương lai của đất nước. Nếu chúng ta không làm tốt thì thể lực, tầm vóc và sức khoẻ của trẻ sẽ đến đâu (?!)”, đồng chí Vũ Thu Hà nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và lễ hội, thời gian qua, thành phố đã triển khai với cách làm hoàn toàn mới. “Có thể thấy thông qua việc đảm bảo kiểm tra đột xuất 100% đã phát hiện nhiều vi phạm hơn, thậm chí, nhiều cơ sở phải tạm dừng hoạt động, trong đó có những sản phẩm đạt được đánh giá và đạt chứng nhận OCOP, thương hiệu nổi tiếng. Qua đó có thể thấy, ngay cả những cơ sở sản xuất lớn vẫn có những vi phạm nghiêm trọng”, đồng chí Vũ Thu Hà khẳng định.

Từ việc tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, đồng chí Vũ Thu Hà cũng khẳng định, hiệu quả mang lại rất lớn. Đó là bản thân các thương hiệu cũng nhận ra vi phạm và khắc phục hậu quả, đầu tư trang thiết bị, lắp đặt lại nhà xưởng để đảm bảo đáp ứng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất.

Cùng với đó, đồng chí Vũ Thu Hà cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt, công khai đơn vị vi phạm thì cũng có những địa phương làm qua loa, “nể nang” người trong làng, trong xóm... cho nên kết quả kiểm tra, xử phạt ở mức thấp, không đạt hiệu quả cao.

Chính vì vậy, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của thành phố và các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung triển khai chuyên đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học.

“Không chỉ trong Tháng hành động mà chuyên đề này được triển khai không có thời hạn, đến bao giờ chúng ta thấy thực sự yên tâm, Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP; làm sao để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm được công bố chất lượng, các sản phẩm thương hiệu là yên tâm”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Cũng theo đồng chí Vũ Thu Hà, ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành và từ ngày 15-4 bắt đầu kiểm tra việc triển khai thực hiện của các quận, huyện, thị xã theo các chuyên đề, đồng thời gắn với việc xử phạt cao nhất trong thẩm quyền mà thành phố ban hành. Kết thúc Tháng hành động sẽ có đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp và ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể cá nhân làm tốt cũng như đánh giá các đơn vị thực hiện chưa tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025: Áp dụng mức xử phạt cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.