Ngày 4-4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025.
Theo đó, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
Mục đích của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Cũng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương làm trưởng đoàn kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn; đồng thời kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Tại các quận, huyện, thị xã cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn kiểm tra. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, tại các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm “Tháng hành động” tại địa phương; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp.
Các xã, phường, thị trấn tập trung truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không an toàn. Đồng thời, hướng dẫn ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Yêu cầu công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/Bản cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng tại từng cơ sở.
“Khi tổ chức các đoàn kiểm tra cần có đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, UBND thành phố lưu ý các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tại Kế hoạch số 87.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Cùng với đó, Tháng hành động còn gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.