Chiều 14-4, UBND huyện Thạch Thất triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác y tế quý II năm 2025.
Tại hội nghị, Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên triển khai Kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025.
Kế hoạch được tổ chức từ ngày 15-4 đến ngày 15-5, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tháng hành động còn là điểm nhấn, tạo đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.
Cũng tại hội nghị, đại diện các ngành thành viên Ban chỉ đạo, các xã, thị trấn đề xuất nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vệ sinh, an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh, chính trị mỗi địa phương.
Việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm giúp tăng cường nguồn lực con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; phổ biến, hướng dẫn người dân cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm tra đối với cơ sở thực phẩm xung quanh trường học, bếp ăn tập thể trường học, khu, cụm công nghiệp; xử lý nghiêm cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các xã, thị trấn, phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công khai minh bạch thông tin trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; công khai cơ sở vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử lý trên hệ thống truyền thanh, bảng tin, cổng thông tin điện tử xã, huyện; tăng cường sự giám sát của nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội trong toàn bộ quy trình giám sát an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.