(HNM) - Làm thế nào để huy động tối đa nguồn lực từ đội ngũ trí thức kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước?
Trên tinh thần đó, hôm nay (7-6), Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức NVNƠNN với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Vũ Hồng Nam đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn trước khi khai mạc diễn đàn.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam. |
- Thưa Thứ trưởng, trí thức nói chung, trí thức kiều bào nói riêng luôn được trân trọng như "nguyên khí" của quốc gia. Vậy Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận vấn đề tri thức kiều bào như thế nào?
- Nghị quyết 36-NQ/TƯ ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định, cộng đồng NVNƠNN là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của cộng đồng NVNƠNN. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành nhiều sự quan tâm đối với bà con kiều bào ta ở nước ngoài thông qua việc tạo điều kiện về chính sách để thu hút kiều bào đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Kế thừa những chính sách đó, Nghị quyết 36-NQ/TƯ tiếp tục đưa ra những chỉ đạo cụ thể nhằm giúp các bộ, ngành thu hút tối đa nguồn lực trí thức kiều bào đóng góp vào sự phát triển từng lĩnh vực của đất nước.
- Vậy Chỉ thị số 45-CT/TƯ của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào với công tác NVNƠNN?
- Chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TƯ được 10 năm. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Lý do quan trọng phải có Chỉ thị 45-CT/TƯ là thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TƯ về công tác NVNƠNN. Chỉ thị khẳng định rằng, Nghị quyết 36-NQ/TƯ còn nguyên giá trị, nhưng cần khắc phục những tồn tại chưa làm được trong 10 năm qua. Trong 10 năm qua, cộng đồng NVNƠNN có nhiều thay đổi từ chỉ với 2,4 triệu người tăng lên hơn 4,5 triệu người, trong đó số trí thức cũng tăng lên, sự ra đời của thế hệ thứ hai, thứ ba với những nhu cầu về văn hóa, ngôn ngữ… đặt ra nhiều vấn đề với công tác NVNƠNN.
- Thứ trưởng có thể cho biết những trọng tâm ưu tiên của Ủy ban trong công tác với NVNƠNN thời gian tới để có thể huy động hơn nữa nguồn lực trí thức kiều bào?
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN là kết nối bà con kiều bào ta ở nước ngoài, trong đó có các trí thức kiều bào để mọi người tích cực tham gia các hoạt động trong nước. Ủy ban đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để kiều bào đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như GS.TS vật lý Việt kiều Pháp Jean Trần Thanh Vân với việc xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại TP Quy Nhơn (Bình Định); hay GS Ngô Bảo Châu với nhiều đóng góp cho cộng đồng toán học trong nước nói chung và Viện Toán học - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam nói riêng. Trước mắt có 3 việc Ủy ban cần làm là tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cộng đồng ở nước ngoài; giúp bà con kiều bào ta ở một số quốc gia có địa vị pháp lý để ổn định cuộc sống; tăng cường tiếp xúc với các đối tượng có khác biệt về quan điểm để họ cũng có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
- Việc lấy ý kiến đóng góp của trí thức kiều bào vào sự phát triển của đất nước có phải là nội dung chính của diễn đàn được tổ chức lần này tại Hà Nội không, thưa Thứ trưởng?
- Mục đích của diễn đàn là tạo cơ hội cho trí thức kiều bào đóng góp ý kiến, tư vấn trên tinh thần xây dựng và tích cực vào những vấn đề thiết thực đối với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, đồng thời giúp họ nắm bắt yêu cầu trong nước, giao lưu kết nối với trí thức và các nhà quản lý trong nước. Diễn đàn được tổ chức thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát huy các nguồn lực kiều bào, huy động kiến thức của chuyên gia NVNƠNN và kinh nghiệm quốc tế vào hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, chiến lược phát triển kinh tế và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.