(HNM) - Tại hội thảo về du lịch Nhật Bản do Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA) và Cơ quan Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện JNTO cho biết, những năm gần đây, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản luôn tăng mạnh. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Việt Nam có thể học tập những gì từ kinh nghiệm tổ chức tour cũng như quảng bá, xúc tiến du lịch của nước bạn?
Lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản tăng mạnh từ chính sách truyền thông, quảng bá. |
Theo ông Ito Kazuhiro, Trưởng đại diện Văn phòng JNTO tại Bangkok, Việt Nam được xem là thị trường du lịch đầy hứa hẹn của Nhật Bản. Năm 2013 có 84.469 khách Việt Nam sang du lịch Nhật Bản, tăng 53,1% so với năm 2012; tới năm 2014, con số này vào khoảng 124.000 lượt khách, tăng 47% so với năm trước đó. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng trong năm 2015, số khách Việt Nam chọn du lịch tại Nhật Bản ước tăng 50% so với năm 2014.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản tăng nhanh, trong đó nguyên nhân quan trọng là giá tour đã rẻ hơn một cách đáng kể so với trước. Trước đây, du lịch Nhật Bản nhắm vào dòng khách cao cấp nên thường thiết kế giá tour ở mức rất cao. Giờ đây, Nhật Bản đặt mục tiêu phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch và đầu tư nhiều hơn cho các khách sạn 3 sao, nhà hàng phù hợp với điều kiện du lịch của người Việt Nam.
Theo đà chuyển hướng đó, ngày càng có nhiều công ty du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đón khách và giữa những công ty này có sự cạnh tranh khá gay gắt. Đó là những yếu tố khiến cho giá tour Nhật Bản giảm đến 30% so với cách đây 5 năm. Ngoài ra, văn hóa Nhật cũng là yếu tố hấp dẫn du khách Việt. Tới nước bạn, du khách không chỉ được thăm thú cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn học hỏi được nhiều điều từ xã hội Nhật Bản vốn rõ tính kỷ cương, nền nếp, văn minh.
Không chỉ có khách Việt Nam đổ xô đi Nhật Bản mà nước này còn thu hút đông đảo công dân các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như: Hồng Công, Hàn Quốc, Trung Quốc... Năm 2011, Nhật Bản xảy ra trận động đất lớn nên ngành Du lịch nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên từ năm 2012, 2013, 2014 thì trung bình hằng năm, chỉ số tăng trưởng luôn đạt 20-30%. Năm 2014, Nhật Bản đón 18 triệu lượt khách quốc tế, năm 2015 chưa có thống kê chính xác nhưng ước đạt 19,5 triệu lượt khách. |
Nguyên nhân quan trọng khác là chính sách visa của Nhật Bản ngày càng thông thoáng. Ví dụ, ngày 30-9-2014, Nhật Bản đã nới lỏng thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho du khách từ ba nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia. Cụ thể, du khách từ ba quốc gia này không còn phải trình giấy chứng nhận số dư tiền gửi ngân hàng, với điều kiện trước đây họ từng đi thăm Nhật Bản và từng đến một quốc gia khác trong nhóm G7. Ngoài ra, thời hạn giá trị của thị thực nhập cảnh nhiều lần dành cho công dân ba quốc gia này được nâng từ 3 năm lên 5 năm...
Nói về thành công của Nhật Bản trong việc thu hút khách quốc tế, ông Ito Kazuhiro đặc biệt nhấn mạnh tới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Ông cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ Nhật Bản liên tục thực hiện các chiến dịch "B to B" tại Việt Nam, tức là mời trực tiếp các công ty du lịch Việt Nam tới khảo sát thị trường Nhật Bản. Họ mời những người nổi tiếng và giới truyền thông Việt Nam sang thăm, làm chương trình quảng bá du lịch. Bên cạnh đó là các hoạt động hướng tới khách hàng (B to C) như mở hội chợ, hội nghị, hội thảo... để khách hàng trực tiếp cảm nhận sự hấp dẫn của Nhật Bản. Ngoài hoạt động xúc tiến của các cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh thành, địa phương cũng có những buổi xúc tiến riêng. Phía bạn cũng hỗ trợ tới 50% chi phí quảng cáo tour Nhật cho các đơn vị bán tour tại Việt Nam.
So sánh hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá với nước bạn, TS Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, so với 5-10 năm về trước, công tác xúc tiến, quảng bá của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, thể hiện ở chỗ đã có chiến lược dài hạn, phân định thị trường trọng điểm, thị trường mục tiêu và có sự phân công tương đối cụ thể cho từng địa phương. Tuy nhiên, việc quảng bá còn chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu điểm nhấn.
"Nhẽ ra, với mỗi thị trường, mỗi quốc gia, chúng ta phải biết rõ du khách quan tâm đến cái gì để tập trung giới thiệu cái đó. Thay vào đó, chúng ta hầu như chỉ có một bài và đi đâu cũng thể hiện bài đó nên không tạo được sự khác biệt. Mặt khác, các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để quảng bá hình ảnh của đất nước một cách hiệu quả" - TS Nguyễn Quang Lân chia sẻ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, lượng khách quốc tế đến Nhật Bản vẫn tăng trưởng ở mức hai con số, rất cao so với mức tăng chưa đến 1% của Việt Nam trong năm 2015. Bởi vậy, kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá du lịch của Nhật Bản là điều mà Việt Nam có thể học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.