(HNM) - Với những thuận lợi như sự ổn định về chính trị, môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện…, việc thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên cả nước liên tục khởi sắc. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2019, tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào nước ta đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Với Hà Nội, năm 2019, Hà Nội thu hút 8,05 tỷ USD vốn FDI (bằng 1/4 tổng vốn FDI cả nước), là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước, với nhiều dự án chất lượng như: Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông (Nhật Bản), có vốn đầu tư 192,5 triệu USD; Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Việt Nam (Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc), có vốn đầu tư 200 triệu USD...
Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nổi lên là vấn đề chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển; số doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công nghệ hiện đại còn rất hạn chế, việc chuyển giao khoa học công nghệ cho doanh nghiệp trong nước còn chậm... Một số dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, môi trường… Chưa kể, hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" trong khu vực kinh tế này ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng…
Là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, khu vực kinh tế có vốn FDI mang đến đồng thời cả cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập sâu, rộng như hiện nay, điều quan trọng là phải tận dụng được cơ hội và lái dòng vốn FDI để không chỉ phát triển theo chiều rộng, mà phải cả chiều sâu và mang tính bền vững.
Trước những đòi hỏi này, ngày 20-8-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TƯ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, chính sách quản lý, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài... Đây chính là những giải pháp khung để kênh vốn FDI phát triển mạnh mẽ nên các cấp, ngành, địa phương phải có hành động cụ thể, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Điều cần làm trước tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút vốn FDI theo hướng công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh việc xây dựng những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, cũng cần chắc chắn rằng các quy định này không tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp FDI trục lợi.
Muốn chọn được các dự án chất lượng, ngay từ đầu nguồn phải có “bộ lọc” chuẩn. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước nhất thiết phải đặt ra các tiêu chí khắt khe về vốn, công nghệ, lao động… và buộc doanh nghiệp tuân thủ. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện và chú trọng thu hút doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường.
Để thu hút được những dự án hiệu quả, cơ quan chức năng phải chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định dự án và cả sự kiểm tra, hậu kiểm trong quá trình dự án hoạt động để bảo đảm rằng, đây là nguồn vốn kích thích được sự phát triển của cả nền kinh tế. Muốn giải quyết được vấn đề nêu trên, đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này phải có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm. Bởi phải có tâm, có lực, đội ngũ này mới làm tốt chức năng "bộ lọc", ngăn ngừa những dự án yếu kém, xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có) của nhà đầu tư.
Việc thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp FDI là dấu hiệu rất đáng mừng, nhưng quan trọng hơn là phải làm chủ được dòng vốn ấy để lĩnh vực này phát triển theo chiều sâu, bảo đảm được mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.