Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới phát triển bền vững

Thế Văn| 29/11/2021 06:14

(HNM) - Các chuỗi giá trị nông sản nói chung, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nói riêng được hình thành trên cơ sở chia sẻ thành quả và lợi ích giữa các bên tham gia, là chìa khóa mở cánh cửa hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Xác định tầm quan trọng của chuỗi liên kết, thời gian qua, mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã và đang được chú trọng phát triển tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, mang lại lợi ích thiết thực. Cụ thể, người nông dân chủ động được nguyên liệu, vật tư sản xuất; được hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật, tránh được nhiều rủi ro. Doanh nghiệp kiểm soát được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, có thể chủ động trong việc xây dựng thương hiệu, kế hoạch tiêu thụ (trong nước và xuất khẩu). Nhà nước bảo đảm được an ninh lương thực, thị trường tiêu thụ cũng như mục tiêu tăng trưởng, an sinh xã hội… Mặt khác, thành công của các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong thời gian qua cũng cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế hợp tác là một tất yếu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “rào cản” trong việc phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo tại Hà Nội với đích đến là thị trường và người tiêu dùng. Doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc tham gia các chuỗi liên kết giá trị bởi chính sách về tích tụ đất đai, hạn điền còn bất cập, hạn chế; việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn; chưa kể những vấn đề liên quan đến pháp lý, nguồn nhân lực... Đặc biệt, còn tình trạng ngay trong các chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo cũng chưa có sự liên kết bền chặt; vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất; nông dân không được kết nối với nhà cung ứng nguyên liệu sản xuất nên không nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và chịu tác động tiêu cực khi giá vật tư biến động; các khâu liên kết chưa mang lại giá trị gia tăng cao bởi công nghệ, kỹ thuật lạc hậu...

Để tháo gỡ “rào cản”, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, các bộ, ngành của trung ương, thành phố và các địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng… để thu hút nhà đầu tư vào các chuỗi giá trị cũng như khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đồng thời, tăng cường vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Ngoài ra, để thúc đẩy chuỗi liên kết, cần xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở gắn lợi ích của các chủ thể với lợi ích của chuỗi giá trị; tăng cường các giải pháp hỗ trợ pháp lý, bảo đảm thực thi các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập trong quá trình liên kết. 

Đối với người nông dân, cần loại bỏ triệt để tâm lý, cách thức sản xuất nông nghiệp manh mún, điển hình như việc bán lúa gạo cho tiểu thương thay vì thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng liên kết mỗi khi giá tăng; tích cực tham gia các lớp tập huấn do chính quyền, hội nông dân... tổ chức để có thêm thông tin thị trường, kỹ thuật canh tác, phương thức kinh doanh hiện đại... Qua đó, áp dụng vào sản xuất, liên kết, giúp nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác, thích ứng với điều kiện phát triển mới.

Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo với đích đến là thị trường và người tiêu dùng được xem là một giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.