Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả

Hoàng Thu Vân| 17/09/2013 05:50

(HNM) - Thời gian qua, bộ máy nhà nước đã nhiều lần được sắp xếp, tổ chức nhưng nhìn chung vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng lắp và tính thống nhất của hệ thống cơ quan nhà nước chưa cao, hiệu lực, hiệu quả quản lý còn hạn chế.



Cùng với đó, mạng lưới hệ thống đô thị của chúng ta (bao gồm các đô thị thuộc huyện, các đô thị thuộc tỉnh và các đô thị trực thuộc trung ương) không ngừng phát triển cả về số lượng, quy mô, diện tích và dân số. Điều đó đòi hỏi phải có một mô hình quản lý phù hợp.

Trước yêu cầu của thực tế đời sống, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp". Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xây dựng Đề án và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Không phải không tổ chức HĐND ở một số quận, huyện, phường là chúng ta đã có được mô hình chính quyền đô thị. Mô hình tại các nước trên thế giới cũng rất phong phú và đa dạng. Dù cách làm, sự lựa chọn những mô hình cụ thể là khác nhau, song tất cả đều hướng tới mục đích chung là xây dựng bộ máy chính quyền theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm thiểu các tầng, nấc trung gian. Vì vậy, gần 4 năm qua, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở một số quận, huyện, phường tại nhiều địa phương với những nét đặc thù khác nhau là bước đi cần thiết trong lộ trình thực hiện cải cách hành chính, đồng thời tìm ra mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đời sống.

Ở một khía cạnh khác, hiện việc tổ chức chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng được quy định trong Hiến pháp 1992 cùng Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Trong thời điểm này, việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được thực hiện. Như vậy, để bảo đảm sự đồng bộ, mô hình, cách thức tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng thì cũng cần những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết mang tính nguyên tắc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Từ một số vấn đề trên có thể thấy, việc nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam trong điền kiện hiện nay là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Một cơ thể đang tuổi ăn, tuổi lớn không thể mang trên mình "tấm áo" quá chật. Xây dựng được mô hình chính quyền đô thị chúng ta sẽ khắc phục được nhiều bất cập đang tồn tại trong công tác quản lý; đồng thời làm rõ được cơ chế chịu trách nhiệm đối với từng vấn đề, lĩnh vực, phát huy tính tự chủ trong việc phân cấp; cùng với đó xác định rành mạch mối quan hệ giữa cơ quan trung ương và địa phương, khắc phục những "lỗ hổng" làm phát sinh cơ chế "xin - cho"… Tuy nhiên, cho dù xây dựng được cơ chế và mô hình tốt thì yếu tố quyết định vẫn là con người thực hiện. Do đó, song song với việc nghiên cứu, lựa chọn mô hình chính quyền đô thị cần nhanh chóng có phương án xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm để tiếp cận được với phương thức hoạt động mới, vận hành hiệu quả bộ máy cơ quan quản lý các cấp.

Những vấn đề nêu trên có mối liên kết chặt chẽ với nhau trong một tổng thể thống nhất và cần được giải quyết đồng bộ. Đó cũng chính là yêu cầu cần phải đổi mới để phục vụ quá trình phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.