(HNNN) - Công tác phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở (THCS) và hướng nghiệp là vấn đề được đặc biệt quan tâm, nhất là khi hầu hết học sinh có nhu cầu học lên trung học phổ thông (THPT). Vì sao công tác phân luồng giáo dục, hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, đâu là giải pháp giải quyết vấn đề? Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Ưu tú Trần Nguyên Phú, Hội viên Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội.
- Thưa ông, việc phân luồng sau THCS là cần thiết và định hướng cho học sinh có học lực yếu đi học nghề là phù hợp. Nhưng trong thực tế rất ít nơi làm tốt, ông có ý kiến gì về thực trạng này?
- Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là: Học sinh tốt nghiệp THCS chưa phát triển đầy đủ về mọi mặt nên nếu tiếp tục được học tập, tu dưỡng ở trường học bậc THPT thì sẽ tốt hơn là phải “vào đời” sớm. Về việc phân luồng sau THCS, định hướng cho những em học lực yếu kém hoặc do thiếu điều kiện học tiếp THPT chuyển sang học nghề là đúng nhưng không dễ thực hiện, nhất là khi các doanh nghiệp rất ít tuyển lao động có trình độ văn hóa THCS. Nếu được học hết THPT, các em sẽ có điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm thuận lợi hơn.
- Có ý kiến cho rằng, công tác hướng nghiệp cho học sinh ở THCS, THPT vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả rất thấp. Là một cựu giáo chức, theo ông nhận định đó có chính xác?
- Hoàn toàn chính xác! Hướng nghiệp là rất cần thiết, tạo tiền đề cho người học sớm xác định một hướng đi cho cuộc sống sau này, tức là giúp họ chủ động chọn nghề học và làm sau khi học xong phổ thông. Đạt được điều ấy thì hướng nghiệp có hiệu quả, không đạt thì chưa hiệu quả.
Thẳng thắn mà nói, công tác hướng nghiệp trong những năm qua vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Những con số “ảo” về kết quả đạt được phản ánh một thứ bệnh, đó là “bệnh hình thức” trong hướng nghiệp tại các nhà trường phổ thông. Điều đáng lo là vẫn có tâm lý cho rằng “bệnh” ấy không nguy hiểm nên chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Dù đã có nhiều ý kiến cảnh báo về những hậu quả nếu không làm tốt công tác hướng nghiệp, nhưng chuyển biến trong thực tế còn chậm.
- Những biểu hiện cụ thể là như thế nào, thưa ông?
- Nếu chịu khó để ý sẽ thấy rất rõ. Năm nào ngành Giáo dục và Đào tạo cũng xác định hướng nghiệp là một trong những công tác trọng tâm, các cơ sở giáo dục cũng nêu trong kế hoạch năm học, các diễn đàn về giáo dục cũng nhắc đến... nhưng hành động cụ thể thì ít, lực lượng thực thi thì mỏng, kết quả kiểm tra, đánh giá thì chung chung... Chủ yếu vẫn là người học tự xoay xở theo cảm tính, hoặc dựa vào lời khuyên của người lớn...
Công tác phân luồng sau THCS, công tác hướng nghiệp ở cả THCS và THPT đều chưa đạt yêu cầu thể hiện qua một vài con số thống kê. Ở bậc THCS, trong nhiều năm qua, mỗi năm chỉ có chưa đến 10% học sinh tốt nghiệp theo học các trường nghề. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đặt mục tiêu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng nếu công tác hướng nghiệp như những năm qua thì không thể đạt mục tiêu.
Còn ở bậc THPT, sau khi đăng ký xét tuyển đại học, khoảng trên dưới 50% người học xin đổi nguyện vọng, điều đó cho thấy họ chưa xác định được rõ ràng mình thực sự thích nghề gì, có thể theo học nghề gì... Đó là chưa kể, theo một thống kê, trên 60% số người học sau khi tốt nghiệp phải làm trái ngành nghề được đào tạo... Những còn số trên cho thấy không chỉ công tác phân luồng, hướng nghiệp của ngành Giáo dục và Đạo tạo chưa đạt yêu cầu mà cả nhận thức của người học cũng rất hạn chế.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế, bất cập trong công tác phân luồng, hướng nghiệp?
- Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp và chính yếu là do sức ép từ các chỉ tiêu mà các cơ sở giáo dục đề ra. Cụ thể là các cơ sở giáo dục ở bậc học phổ thông luôn đặt ra chỉ tiêu về số học sinh xếp loại học lực giỏi, khá rất cao; rồi còn chỉ tiêu vào THPT, chỉ tiêu vào học đại học... Các chỉ tiêu đó đã buộc mỗi nhà giáo và học sinh luôn luôn “hướng học” để lấy kết quả dạy tốt, học tốt. Việc tập trung cho học tập, thành tích đã làm mờ nhạt nội dung phân luồng, “hướng nghiệp” ở cả cấp THCS và THPT, nhất là ở THPT.
- Rất nhiều giải pháp đã được đề xuất và thực hiện nhưng hiệu quả lại chưa như mong muốn. Tại sao như vậy, thưa ông?
- Nguyên nhân nằm ở chỗ ngành chức năng còn chưa làm tốt công tác quản lý, chưa thực hiện hiệu quả chức năng điều phối, gắn kết giữa các bên hữu quan trong công tác phân luồng và hướng nghiệp. Sự rời rạc trong phối hợp hoạt động liên ngành khiến công tác này chuyển biến chậm, hiệu quả chưa cao.
- Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp?
- Các chủ trương, chính sách, giải pháp đã, đang thực hiện đều rất đúng và trúng. Vấn đề đặt ra là quyết tâm thực hiện cao hơn, chữa “bệnh hình thức”. Phải khắc phục những điểm yếu nói trên, quản lý tốt chương trình, kế hoạch hoạt động của các cơ sở giáo dục, thực hiện gắn kết giữa các bên hữu quan trong công tác phân luồng và hướng nghiệp. Bên cạnh đó, động viên, tạo điều kiện để nâng cao nhận thức, hiệu quả tự hướng nghiệp của học sinh.
Một số nội dung mà các cơ quan hữu trách, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả là:
Thứ nhất, giúp người học lập kế hoạch định hướng nghề nghiệp, có thể thực hiện khi vào học lớp 10 THPT và có thể điều chỉnh qua từng năm, đến lớp 12 thì xác định mục tiêu cụ thể. Đây là quá trình đòi hỏi kết hợp tốt việc hướng nghiệp và việc tự hướng nghiệp.
Thứ hai, giúp người học xác định rõ năng lực, sở trường, sở thích của mình, từ đó chọn nghề phù hợp và quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Trên cơ sở đó, hỗ trợ người học thông tin về các ngành nghề, tìm trường phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện để theo học.
Thứ ba, giúp người học tìm hiểu nhu cầu việc làm các ngành nghề, có thể gắn với chính sách tuyển dụng, đãi ngộ của doanh nghiệp, của địa phương... Các số liệu tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cần phải liên tục được cập nhật, bổ sung, có tính dự báo chính xác cao, sát với thực tế, để giúp người học có dữ liệu đầu vào chuẩn, từ đó có lựa chọn đúng đắn, phù hợp.
Tóm lại, hướng nghiệp phải tiệm cận nhu cầu thực tế của đối tượng, gắn với yêu cầu xã hội, tránh lãng phí thời gian và các nguồn lực.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.