(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của người dân Thủ đô, các địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, mô hình hữu ích này ở nhiều nơi không còn tồn tại hoặc kinh doanh cầm chừng... Vậy đâu là giải pháp để mở rộng, phát huy hiệu quả của các cửa hàng thực phẩm an toàn?
Khó nhân rộng mô hình
Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và các doanh nghiệp, hợp tác xã đã mở rộng hệ thống các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố có 141 siêu thị, 454 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện ích, 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm an toàn… Các mặt hàng nông sản, thịt gia súc, gia cầm phân phối qua các cửa hàng thực phẩm an toàn đều được bao gói, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình này trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín đã phối hợp với Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green mở các cửa hàng bán thực phẩm an toàn tại chợ truyền thống. Năm 2021, huyện chỉ đạo 10 xã, mỗi xã chọn 3-4 điểm chợ, hỗ trợ kinh phí nâng cấp cửa hàng, quầy bán thịt cho các hộ tiểu thương. Nhưng sau 5 tháng triển khai, số cửa hàng tồn tại được rất ít do giá bán cao hơn 10-15% so với các quầy thịt khác tại chợ, trong khi thu nhập của người tiêu dùng còn hạn chế.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ thông tin: Với mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng nhiều loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, công ty đã phối hợp với các ngành chức năng mở hàng trăm cửa hàng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc duy trì và mở rộng hệ thống gặp khó khăn do người tiêu dùng vẫn thích sử dụng thịt gia súc, gia cầm được nuôi và giết mổ theo phương pháp truyền thống, có giá thấp hơn.
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Anh - đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Nông Trang (quận Hà Đông) cho biết, công ty đã mở hệ thống cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các phường của quận Hà Đông, nhưng đến nay chỉ duy nhất cửa hàng ở phố Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi) phát huy hiệu quả. Các cửa hàng khác phải giải thể vì chi phí đầu tư lớn mà lại tiêu thụ sản phẩm rất chậm.
Tìm cách thuyết phục người tiêu dùng
Để mở rộng và phát huy hiệu quả các cửa hàng thực phẩm an toàn, không chỉ cần sự đầu tư bài bản từ phía doanh nghiệp, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng mà còn cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, để các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tồn tại và phát triển, cùng với việc đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn trên mạng xã hội, các doanh nghiệp cần có đội ngũ tư vấn khách hàng và giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp. Mặt khác, các ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm qua các hội chợ, kênh bán hàng hiện đại.
Để hệ thống cửa hàng này phát triển tốt hơn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt thông tin: Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn. Cùng với đó là vận động doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có điều kiện tìm giải pháp khả thi để phát triển hơn nữa mô hình này.
Còn Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh; đồng thời vận động người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các quận, huyện, thị xã, Chi cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, loại bỏ những cửa hàng kinh doanh thực phẩm không an toàn để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng và trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ nhu cầu thị trường, tâm lý khách hàng ở từng địa phương để có cách thức cung ứng phù hợp…
Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy, về lâu dài, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng cần chủ động tìm giải pháp thích hợp để mô hình này phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.