Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi tất yếu

Chí Kiên| 31/01/2020 06:28

(HNM) - Trong những năm qua, công nghiệp luôn là ngành xuất khẩu chủ lực của Hà Nội. Đáng chú ý, một số nhóm hàng như dệt may, máy vi tính và hàng điện tử, phương tiện vận tải và phụ tùng… đã đạt giá trị xuất khẩu lên đến hàng tỷ USD. Những ngành hàng này đã khẳng định thế mạnh và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Thủ đô.

Hà Nội là trung tâm giao lưu kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… Thời gian qua, ngành Công nghiệp Thủ đô đã tận dụng khá tốt những lợi thế này để thực hiện tái cơ cấu, tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… có lợi thế cạnh tranh để phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, trên nền tảng coi trọng yếu tố hàm lượng công nghệ, chất lượng và giá trị sản phẩm xuất khẩu, cơ cấu xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm phần lớn. Các doanh nghiệp công nghiệp xuất khẩu cũng đã làm lan tỏa việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế… trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước yêu cầu tái cơ cấu ngành Công nghiệp đặt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng công nghiệp ở Thủ đô vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Thực tế, với quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư thỏa đáng cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; năng suất lao động công nghiệp còn thấp… Trong khi đó, một số ngành hàng có định hướng xuất khẩu chưa được tổ chức theo chuỗi giá trị, chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu…

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cùng với đạt kết quả cao về quy mô xuất khẩu hàng công nghiệp thì giá trị gia tăng thu về phải tương xứng. Phát huy những thế mạnh sẵn có, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp về xúc tiến đầu tư, thương mại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh…

Với thế mạnh là trung tâm giáo dục và đào tạo hàng đầu cả nước, có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, thành phố cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp có thể ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Việc cần làm là tăng cường sự hợp tác giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân để tạo ra cơ hội tốt nhất cùng phát triển.

Các địa phương, ngành chức năng cũng cần quan tâm đến việc phân bố không gian công nghiệp, làm thế nào để khai thác được tiềm năng về đất đai, vị trí địa lý, nguồn nhân lực ở từng nơi… Từ đó, tạo nên những khu công nghiệp phát triển ngành hàng mang tính chuyên sâu và các doanh nghiệp có thể liên kết để tạo thành chuỗi khép kín sản xuất sản phẩm công nghiệp. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn...

Một vấn đề nữa cần phải lưu ý là bản thân các doanh nghiệp công nghiệp xuất khẩu cần cải thiện tầm nhìn, đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng các ưu đãi trong cam kết quốc tế và có biện pháp tích cực, chủ động phòng tránh các hàng rào thương mại. Trong đó phải quan tâm đến các kiến thức về chính sách, pháp luật thương mại của Việt Nam và quốc tế; thông tin thị trường; nâng cao kỹ năng quản trị, nhất là về công nghệ mới, công nghệ thông tin...

Nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp xuất khẩu trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và tận dụng thế mạnh sẵn có là hướng đi tất yếu, góp phần tái cơ cấu ngành Công nghiệp Thủ đô hiệu quả, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.