(HNM) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, việc phát triển nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến trên nền tảng công nghệ là rất cần thiết để đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân. Cách thức mới này có thể thấy rõ qua một số chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, phát trên truyền hình và trực tuyến đã gây được tiếng vang như: “Những ngôi sao bất tử” phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam; chuỗi chương trình chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” phát trên các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook.
Hướng đi kể trên mang đến nhiều lợi ích. Các đơn vị nghệ thuật tạo được điểm nhấn, thể hiện tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều đối tượng khán giả cho chương trình, vở diễn. Đặc biệt, người nghệ sĩ, sau thời gian dài không được biểu diễn vì dịch bệnh, thì thông qua nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến, họ tiếp tục được thỏa sức sáng tạo, thể hiện niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật và công chúng. Còn với khán giả, trong khi thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu, ở yên chỗ đó” để phòng, chống dịch bệnh, những chương trình nghệ thuật phát trên truyền hình, phát trực tuyến là những món ăn tinh thần ý nghĩa, kịp thời. Và hơn hết, thông qua chương trình nghệ thuật trực tuyến đã thể hiện sự đồng hành của các nghệ sĩ trong việc truyền tải những thông điệp tuyên truyền, cổ vũ tinh thần toàn dân đoàn kết chống dịch.
Tiếp nối thành công này, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có hàng chục chương trình nghệ thuật, vở diễn đặc sắc được dàn dựng và ra mắt công chúng qua nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến. Trước mắt, đây là cách phục vụ công chúng phù hợp nhất, bởi nhà hát trực tiếp vẫn chưa biết khi nào mới được hoạt động trở lại do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Để nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến đạt chất lượng cao nhất, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các đơn vị nghệ thuật, đài truyền hình cần phối hợp chặt chẽ, bàn bạc, tính toán một cách kỹ lưỡng để tìm chọn, dàn dựng chương trình, vở diễn phù hợp điều kiện thực tế cũng như nhu cầu thưởng thức của công chúng. Ở góc độ người nghệ sĩ, cần khắc phục mọi khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm là người của công chúng, nỗ lực sáng tạo, “cháy” hết mình trong từng chương trình, vở diễn.
Ngoài quan tâm yếu tố chuyên môn, quá trình ghi âm, ghi hình, thực hiện cảnh quay, các đơn vị nghệ thuật, đài truyền hình, cá nhân nghệ sĩ cần bảo đảm an toàn, thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất chương trình, vở diễn để tạo hiệu ứng hấp dẫn, mang đến những trải nghiệm chất lượng và trọn vẹn nhất cho khán giả xem trực tuyến, qua truyền hình. Thêm nữa, việc sắp xếp khung giờ phát sóng chương trình cần cân nhắc cho phù hợp, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội, làm sao để thu hút được lượng khán giả theo dõi đông đảo nhất.
Từ những hiệu quả và phản hồi tích cực bước đầu từ khán giả có thể thấy, mô hình nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp "đóng băng", mà còn là xu thế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp nghệ thuật biểu diễn có thêm nhiều cơ hội quảng bá, tiếp cận mọi đối tượng khán giả. Hình thức nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến sẽ không loại trừ nhà hát trình diễn trực tiếp trước khán giả mà tồn tại song song, hỗ trợ lẫn nhau, phục vụ nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật hơn. Về lâu dài, đây là hướng đi mới hiệu quả cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, góp phần bảo đảm và nâng cao đời sống tinh thần cho công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.