Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản

Đỗ Minh| 16/05/2018 06:50

(HNM) - Tại Diễn đàn về lĩnh vực rau, củ, quả và logistics cho nông nghiệp diễn ra cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của việc quy hoạch vùng sản xuất. Theo đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần làm tốt quy hoạch sản xuất gắn với thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu… Đây được xác định là hướng phát triển bền vững đối với xuất khẩu nông sản.

Chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng


Tuân thủ quy hoạch

Nhằm định hướng và xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu nông sản dựa vào thế mạnh và lợi thế của từng địa phương, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Việc xây dựng quy hoạch được gắn liền với sản xuất và chế biến phục vụ xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Việc xây dựng quy hoạch cho các loại cây trồng, vật nuôi đều được gắn với quy hoạch vùng sản xuất hướng đến xuất khẩu bền vững.

Đơn cử như với cây rau, theo quy hoạch, diện tích đất quy hoạch khoảng 400 nghìn héc ta, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,5-3 lần, tăng diện tích rau vụ đông và tăng vụ trên đất khác; bảo đảm diện tích gieo trồng đạt 1,2 triệu héc ta, với sản lượng khoảng 20 triệu tấn, trong đó trung du miền núi phía Bắc 170 nghìn héc ta, Đồng bằng sông Hồng 270 nghìn héc ta, Bắc Trung Bộ 120 nghìn héc ta...

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam Bộ đến năm 2020. Theo đó, Bộ đã chọn 12 loại cây ăn quả chủ lực. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257 nghìn héc ta, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn quả ở Nam Bộ.

Không chỉ với rau, quả, hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi đã được quy hoạch vùng sản xuất, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, việc phát triển tự phát, không tuân theo quy hoạch thời gian qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy, điển hình là tình trạng "được mùa - mất giá". Việc không quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu đã dẫn đến sản phẩm xuất khẩu bị hạn chế hoặc chủ yếu xuất khẩu thô. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, việc thực hiện có sai sót sau quy hoạch còn rất cao (trên 30%). Trong đó, tỷ lệ sản phẩm được chế biến còn rất thấp, nhiều mặt hàng nông sản chỉ chiếm 3-5% qua chế biến.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ


Thực tế, để đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động quy hoạch vùng sản xuất, qua đó, phân chia vùng sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cải tạo giống, đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là quản lý chất lượng cây giống. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần tập trung cho sản xuất và chất lượng cây giống. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở chú trọng nguồn giống và công nghệ. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT rà soát quy hoạch cho từng vùng, từng địa phương để khai thác tốt tiềm năng; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, theo hướng giảm chi phí giá thành trên từng loại cây chủ lực...

Cùng với bảo đảm nguồn giống, việc đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến cũng là giải pháp cấp thiết để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản. Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: "Hiện nay, xuất khẩu và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng cao. Bên cạnh xuất khẩu tươi, các doanh nghiệp cần chú ý đến chế biến các loại nông sản nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu. Để phục vụ chế biến, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước và các bộ, ngành có sự hỗ trợ phát triển vùng sản xuất nguyên liệu".

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2018, Bộ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Bộ thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tăng cường đầu tư vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Theo đó, Bộ sẽ triển khai thực hiện 59 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước thuộc Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản; 15 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 nhiệm vụ và 2 chương trình mới thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia. Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ tập trung thực hiện 246 đề tài/dự án, 8 nhiệm vụ bảo tồn gen; công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ, thực hiện 80 dự án; xây dựng 203 tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có 62 tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyển tiếp và 141 tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.