(HNM) - Chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch có liên quan mật thiết với việc phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Với tầm quan trọng như vậy, thời gian qua, Hà Nội đã có 62 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Các cơ sở này cơ bản được kiểm soát về chất lượng, giá dịch vụ, hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phục vụ chuyên nghiệp… và được du khách đánh giá cao.
Dù đã được quan tâm phát triển, song xét về quy mô cũng như tiềm năng sẵn có, rõ ràng con số cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Du lịch Thủ đô. Có nhiều nguyên nhân khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ không mặn mà đăng ký hoặc phấn đấu để được đạt chuẩn. Trước hết là sự hạn chế về nhận thức của một số chủ doanh nghiệp, chưa thấy hết lợi ích cũng như sự cần thiết của việc đạt chuẩn về dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, quảng bá còn thiếu phong phú, hấp dẫn, chưa tiếp cận rộng rãi đến các đối tượng doanh nghiệp, thị trường du lịch, khiến các đơn vị kinh doanh chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia. Chưa kể, sự kết nối thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành với cơ sở đạt chuẩn cũng là nguyên nhân khiến du khách ít có cơ hội tiếp cận sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng.
Để tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở dịch vụ mua sắm đạt chuẩn nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô, việc khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên là yêu cầu đặt ra với ngành Du lịch thành phố. Muốn vậy, ngành Du lịch cùng các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, thủ tục hành chính... để các cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng điều kiện của cơ sở đạt chuẩn. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về các điều kiện tham gia cũng như lợi ích khi được công nhận cơ sở dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đến các chủ cửa hàng, doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, chủ các cơ sở kinh doanh cần nâng cao nhận thức, tích cực đáp ứng đủ các điều kiện về đăng ký kinh doanh, nhân lực, chất lượng sản phẩm, an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường… để lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Đối với cơ sở mua sắm, dịch vụ đã đạt chuẩn, cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các thông tin liên quan đến du khách thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành và đơn vị kinh doanh đạt chuẩn. Nói cách khác, quá trình xây dựng sản phẩm, tour tuyến du lịch phải đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt chuẩn là một thực thể trải nghiệm không thể bỏ qua đối với du khách khi đi du lịch ở Thủ đô.
Cùng với đó, các đơn vị kinh doanh đạt chuẩn cần tích cực đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, luôn đặt uy tín, thương hiệu lên hàng đầu để phục vụ du khách một cách tốt nhất. Ngoài ra, các đơn vị cần quan tâm xây dựng, phát triển sản phẩm hàng hóa, món ăn, nơi vui chơi giải trí đáp ứng mọi đối tượng du khách; lưu ý đến những sản phẩm mang đặc trưng địa phương, gắn với truyền thống văn hóa, làng nghề… Cách làm hiệu quả này vừa giúp phát triển du lịch, vừa mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt chuẩn mang đến nhiều lợi ích, góp phần phát triển du lịch Thủ đô hiệu quả và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.