(HNM) - “Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống…” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đưa ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là giải pháp cấp bách nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ tiến trình đô thị hóa và cũng là nhiệm vụ chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững của Thăng Long - Hà Nội.
Ngay từ năm 2011, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các nhà nghiên cứu, hoạch định chiến lược đã định hướng: Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Xác định bảo đảm môi trường sống là yếu tố hàng đầu, vành đai xanh đã được quy hoạch chiếm tỷ lệ lớn trong diện tích tự nhiên của thành phố, bao gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ, không gian mở ven mặt nước và đặc biệt là hệ thống công viên đô thị sẽ được nâng cấp các không gian xanh hiện có, bổ sung thêm một phần quỹ đất sau khi di dời các công sở, cơ sở sản xuất công nghiệp…
Tuy nhiên, mặt trái của tiến trình đô thị hóa cũng như những hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đang từng ngày, từng giờ tạo ra những vấn nạn môi trường và hàng loạt yếu tố đe dọa sự phát triển bền vững của Hà Nội. Việc mở rộng không gian đô thị tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh… đã lấy đi một diện tích lớn đất nông nghiệp, chưa kể đất rừng cũng bị lấn chiếm để phục vụ các mục đích phát triển kinh tế. Diện tích cây xanh, mặt nước bị thu hẹp, sinh cảnh bị thay đổi trong khi những áp lực ô nhiễm tại các làng nghề, dòng sông đang “đè nặng” đời sống ven đô.
Để có một vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống cho cư dân và sự phát triển bền vững cho đô thị, cần có nhận thức và tư duy mới với một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Trước hết là cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tuân thủ nghiêm quy hoạch; đồng thời triển khai các cơ chế để tạo lập vành đai xanh thật sự, bảo đảm cấu trúc đô thị phát triển vững chắc và quản lý tăng trưởng một cách hiệu quả. Cùng với đó, củng cố vành đai xanh, phát triển các cơ sở hạ tầng xanh đa chức năng, qua đó kết nối vành đai xanh với khu vực đô thị trung tâm. Mặt khác, trong từng giai đoạn phát triển, có chính sách giữ đất nông nghiệp để người nông dân ven đô phát triển các loại hình kinh tế nông nghiệp vừa phù hợp với vành đai xanh, vừa ngăn chặn việc đô thị hóa không tuân thủ quy hoạch.
Cùng với phát triển các loại hình kinh tế xanh, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu với thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy nông nghiệp đô thị như nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn, các loại hình nông nghiệp chuyên biệt gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Qua đó, vừa bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm chất lượng cao, nâng cao đời sống người dân, vừa làm mới cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng dân cư, dần hình thành “thành phố sinh thái”, “thành phố xanh”… Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của các đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội.
Và việc cần làm ngay là di dời triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô, thay vào đó là những công viên cây xanh, không gian văn hóa sáng tạo; đồng thời duy trì, làm mới hệ thống mặt nước để có thêm nhiều “lá phổi xanh”.
Xây dựng vành đai xanh là giải pháp hiệu quả, hướng đến nhiều mục tiêu, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.