Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã định hướng thiết lập vành đai xanh - vùng đệm ngăn cách giữa đô thị và các khu vực khác, mang nhiều ý nghĩa về môi trường, cảnh quan, xã hội… Các nghị quyết của Trung ương về phát triển Thủ đô gần đây tiếp tục giao nhiệm vụ cho Hà Nội ưu tiên xây dựng vành đai xanh. Và đây cũng là hướng phát triển đang được các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội triển khai.
Điểm nhấn độc đáo, khác biệt
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu: “Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống”.
Tiếp đó, ngày 2-2-2023, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nông thôn kết nối với đô thị, ưu tiên xây dựng vành đai xanh.
Vậy vành đai xanh được hiểu như thế nào và có vai trò ra sao? Theo kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC 1259) đã đưa ra tầm nhìn rất quan trọng cho Hà Nội. Đó là phát triển mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm gắn với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và chiến lược “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh”.
Không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị. Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và bảo đảm môi trường sống. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng. Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường Vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng.
Kiến trúc sư Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng vành đai xanh là điểm nhấn độc đáo, khác biệt của QHC 1259 so với các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trước đây. Vành đai xanh được định hướng bám theo sông Nhuệ, lấy sông Nhuệ và mạng lưới các sông hướng tâm, như: Sông Đăm, sông Cầu Ngà, La Khê… làm trục cảnh quan, xâu chuỗi hệ thống không gian công cộng, làng xóm với mật độ xây dựng thấp và các khu vực xây dựng theo hướng sinh thái, tạo nên vùng đệm ngăn cách mang nhiều ý nghĩa về môi trường, cảnh quan, xã hội…
Về mô hình vành đai xanh, Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao, sản xuất theo mô hình công nghiệp để tăng hiệu quả kinh tế.
Tránh đô thị hóa vào vành đai xanh
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội dẫn giải, trong nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu quy hoạch phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu...
“Quy hoạch cần giải quyết những vấn đề đang nổi cộm, trước mắt là tạo lập không gian nhiều diện tích xanh, mật độ thấp, không phát triển công nghiệp và đô thị, cải tạo và phủ xanh hệ thống điểm dân cư nông thôn để những không gian này trở nên xanh đúng nghĩa, là ranh giới phát triển thực sự cho Hà Nội”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nêu.
Trong khi đó, theo kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, một trong những đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, vành đai xanh được cụ thể hóa theo nguyên tắc bảo tồn không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên của khu vực; bảo tồn các di sản, làng nghề, làng truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, hạ tầng xanh. Chiến lược này cũng bao gồm phát triển mạng lưới đô thị nông thôn mật độ thấp trong vùng hành lang xanh; tránh đô thị hóa vào các nêm xanh, vành đai xanh.
Với việc tiếp tục được định hướng cụ thể trong phương án phát triển đô thị nông thôn được tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một lần nữa định hướng phát triển bảo đảm tính bền vững cho đô thị Hà Nội này lại được thành phố lựa chọn là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.