Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến điều tốt đẹp

Đăng Vũ| 19/09/2021 06:07

(HNM) - Với kỳ vọng sẽ góp phần "thanh lọc" môi trường văn hóa, nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến vào dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật.

Thực tế thời gian qua, đời sống nghệ thuật có nhiều “gam màu” khác nhau. Trong khi đa phần nghệ sĩ tích cực hoạt động nghệ thuật, có những việc làm ý nghĩa với cộng đồng, mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống, thì đâu đó vẫn xảy ra những chuyện không hay liên quan đến một số “người của công chúng”. Dư luận đã ồn ào về một số hành vi “lệch chuẩn” của người mang danh “nghệ sĩ”, từ tuyên truyền “ăn giun đất chữa Covid-19”, văng tục trên mạng xã hội đến sử dụng tiền từ thiện chưa minh bạch… Tất cả những lùm xùm đó khiến công chúng mất niềm tin và phần nào ảnh hưởng đến những nghệ sĩ chân chính.

Do đó, việc có một bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Việc này sẽ góp phần tạo cơ sở để định hướng hành vi, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp và công chúng. Một chi tiết đáng quan tâm là dự thảo đã đưa ra những điều nên và không nên trong hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật. Đây chính là những đòi hỏi đối với người nghệ sĩ, để vừa làm tốt chuyên môn, vừa đấu tranh chống lại cái xấu, góp phần giáo dục, hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp trong cộng đồng, kết nối và hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Qua đó giúp người nghệ sĩ xây dựng được hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho chính mình.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật khi được ban hành có thực sự là một “cây gậy” để có thể điều chỉnh hành vi của người nghệ sĩ? Đây là thực tế mà những người có trách nhiệm soạn thảo quy tắc cần đứng ở góc nhìn thấu đáo, toàn diện và bám sát đời sống nghệ thuật đương đại để đưa ra được những “điều nên làm”, “điều không nên làm”, qua đó giúp đối tượng thuộc diện điều chỉnh phải “tâm phục, khẩu phục” và chủ động hưởng ứng thực hiện bằng cái tâm trong sáng, đẹp đẽ, hướng thiện.

Hiện tại, dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật có phạm vi áp dụng là những người tham gia lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật. Về bản chất, quy tắc là những khuyến cáo về hành vi ứng xử, không phải quy phạm pháp luật nên không có những điều khoản xử phạt. Vẫn còn đó những băn khoăn về yếu tố này, do vậy, bộ quy tắc khi ban hành phải đề cao nguyên tắc trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh và an toàn. Ở góc độ người nghệ sĩ, việc thực hành quy tắc nghề nghiệp phải là nhu cầu tự thân. Mỗi người hoạt động nghệ thuật cần luôn biết tự soi, tự sửa mình để cống hiến, lan tỏa tài năng, đức độ, khẳng định uy tín nghề nghiệp cũng như nhân cách của bản thân trước công chúng, đồng nghiệp.

Bên cạnh các nghệ sĩ, Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật cũng là “kim chỉ nam” cho công chúng dõi theo, đánh giá hoạt động của những người mà họ mến mộ. Bởi quá trình hoạt động nghệ thuật cũng như cuộc sống của nghệ sĩ không thể tách rời khỏi công chúng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo quy tắc cần lưu ý đến tính dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng, làm sao để mọi người đọc quy tắc đều có thể soi chiếu thấu đáo được ai làm tốt, ai làm chưa tốt, bảo đảm khách quan và công bằng.

Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật là hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống cho người nghệ sĩ và cả xã hội!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến điều tốt đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.