LTS: Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về
Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng là đơn vị dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Bài 1: Chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc tích cực
Đến nay, đã có 294/386 xã; 4/18 huyện, thị xã của TP Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Kết quả này khẳng định, Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đóng góp vào thành công này, phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với những cách làm bài bản, sáng tạo.
Vị trí dẫn đầu
Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" (Chương trình 02) đặt mục tiêu: có 80% số xã và 10 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hơn 2 năm thực hiện, khu vực nông thôn Hà Nội tiếp tục có những đổi thay rõ rệt về cả diện mạo lẫn đời sống của người dân.
Nam Sơn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Sóc Sơn, nhưng đã cán đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2017. Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa cho biết, xã đã được đầu tư hàng chục công trình hạ tầng. Hàng nghìn lao động của xã còn chuyển sang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nên đời sống được cải thiện, thu nhập bình quân ổn định đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng, trong bối cảnh nguồn lực có khó khăn nhưng Hà Nội luôn quan tâm, dành sự hỗ trợ về nhiều mặt cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến hết tháng 3-2018, toàn thành phố đã huy động được hơn 25.093 tỷ đồng cho chương trình này. |
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng nay đều đã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Yên Bình, những năm gần đây đã được đầu tư 22 công trình hạ tầng trị giá hơn 200 tỷ đồng, làm đổi thay hoàn toàn diện mạo nông thôn miền núi.
Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02, thành phố có thêm 3 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 4/18 huyện, thị xã (chiếm 22,22%); có thêm 93 xã được công nhận nông thôn mới; nâng số xã đạt chuẩn lên 294/386 xã (chiếm 76,16%), tăng 49 xã so với kế hoạch đề ra. Với kết quả này, Hà Nội được trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Cách làm sáng tạo, bài bản
Xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Linh |
Có thể nói, đạt được kết quả trên, Hà Nội đã có cách làm sáng tạo và bài bản. Ngay khi ban hành Chương trình 02, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng ban; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Điều đó cho thấy, Thành ủy quan tâm đặc biệt tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chương trình này.
Hơn 2 năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã rất sát sao trong chỉ đạo thực hiện chương trình. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Ngô Thị Thanh Hằng đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra thực tế tại 16 huyện để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Ví như, khi kiểm tra tại huyện Thanh Oai năm 2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của thành phố cấp cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh 3 máy cấy lúa bằng mạ khay, kinh phí gần 1 tỷ đồng với mong muốn động viên huyện đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, sớm nhân rộng ra toàn huyện. Kiểm tra tại huyện Ứng Hòa dịp đầu năm 2018, trước khó khăn của địa phương về vốn xây dựng nông thôn mới, Trưởng ban Chỉ đạo đã giao các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai hỗ trợ huyện Ứng Hòa thông qua các công trình, phần việc cụ thể...
Đồng chí Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Nguyễn Đức Chung trong các chuyến công tác kiểm tra, khảo sát công tác tại các huyện ngoại thành cũng chỉ đạo các sở, ngành thành phố giải quyết ngay nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển của các huyện như Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Sóc Sơn... Qua đó, vừa giúp các huyện nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển nói chung, vừa tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cải thiện đời sống.
Hà Nội xác định xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm, căn cơ, có sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cả về chính sách và kinh phí. Hơn hai năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch triển khai chương trình. Là người nhiều năm gắn bó với phong trào xây dựng nông thôn mới, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo đúng quy hoạch, có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên trên tinh thần "liệu cơm gắp mắm". Ví như, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng hành với đó là ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng tiêu chí nông thôn mới; có cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hàng hóa...
Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của thành phố, nhiều địa phương cũng đã có những cách làm sáng tạo. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, Đan Phượng tiếp tục có kế hoạch xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với khẩu hiệu: "Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận" đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.