Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp

Nguyễn Mai| 18/02/2023 15:42

(HNNN) - Hà Nội phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó, khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô năm 2023.

Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.

- Khép lại năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng. Ông có thể cho biết cụ thể về điều đó?

- Năm 2022 là năm ngành Nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật tăng nên chi phí sản xuất tăng; tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên việc tiêu thụ nông sản của nông dân cũng không ổn định. Giá một số nông sản, nhất là giá bán gia súc, gia cầm thấp. Một bộ phận nhân dân chưa quan tâm đến sản xuất, bỏ ruộng hoang... Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, ngành Nông nghiệp đã duy trì và đạt mức tăng trưởng đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn thành phố ước tăng 2,58% so với năm trước đó. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt hơn 16.200 tỷ đồng; chăn nuôi đạt trên 19.900 tỷ đồng; dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng. Cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực. Cũng trong năm 2022, đàn gia súc và gia cầm của Hà Nội đều tăng. Hiện đàn trâu đạt 28.700 con, tăng 4,16%  so với năm 2021; đàn bò đạt 130.240 con, tương đương năm 2021; đàn lợn 1,428 triệu con, tăng 4,6%; đàn gia cầm 40,8 triệu con, tăng 0,4%...

- Nông nghiệp vẫn tăng trưởng trong bối cảnh vô vàn khó khăn, vậy Hà Nội đã thực hiện như thế nào để đạt kết quả trên, thưa ông?

- Đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân. Với ngành Nông nghiệp, chúng tôi cũng đã triển khai các giải pháp để giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, từng bước ổn định sản xuất. Đáng chú ý, đến nay, toàn thành phố đã có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp ngành Nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, trong hơn 2 năm qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song ngành đã chủ động kết nối thị trường, bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được chuỗi liên kết với 43 tỉnh, thành phố, trong năm 2022 đã cung cấp về Hà Nội: 162.500 tấn rau; 53.557 tấn trái cây; 60.429 tấn thịt; trên 130 triệu quả trứng; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến; 49.129 tấn lương thực...

- Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những lĩnh vực mà Hà Nội đã đạt được kết quả rất ấn tượng, thưa ông?

- Năm 2022, khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đối diện với rất nhiều khó khăn. Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gồm nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Thành phố hỗ trợ kinh phí cho Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 chậm so với kế hoạch nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai. Tuy vậy, đến hết năm, toàn thành phố có 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 32 xã so với kế hoạch. Ngoài ra, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện còn lại là Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đã và đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo thành phố trình trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn năm 2023.

Đặc biệt, tại các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Với sự ra đời của các Tổ công nghệ số cộng đồng, giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, du lịch thông minh... trong mô hình “thôn thông minh” đã và đang đưa nông thôn Hà Nội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

- Những khó khăn, thách thức đối với công tác phát triển nông nghiệp Thủ đô trong năm 2022 liệu có lặp lại trong năm nay không, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, khó khăn vẫn hiện hữu. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đối mặt với tốc độ đô thị hóa cao, diện tích sản xuất còn manh mún, nông dân chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn này, rất cần thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng ở nông thôn phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai... Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nông nghiệp để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu. Đồng thời, thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã có giải pháp để hỗ trợ nông dân sản xuất hết diện tích, kể cả diện tích sản xuất nông nghiệp xen kẹt; tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung sản xuất, nâng cao giá trị canh tác.

Người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, ứng dụng công nghệ tưới tự động trong trồng rau. Ảnh: Mai Nguyễn

- Ông có thể cho biết hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội trong năm 2023?

- Năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 2,5 - 3%; phấn đấu tăng thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên.

Với đặc thù của Thủ đô, Hà Nội cần có hướng đi riêng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành Nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trình HĐND thành phố thông qua vào tháng 7-2023. Đồng thời, ngành thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hằng năm. Trong chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh lân cận.

- Như ông đã nói, ứng dụng công nghệ cao đã giúp ngành Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng, vậy trong năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc này ra sao?

- Khó khăn nhất của Hà Nội trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là diện tích đất nhỏ hẹp nên khó thu hút doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Do vậy, thành phố chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân có điều kiện ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất một mặt hàng như rau, hoa, cây ăn quả..., ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; doanh nghiệp sẽ liên kết với nông dân, tư vấn về quy trình, kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có giá trị. Nhiều vùng nhỏ cộng lại sẽ thành vùng lớn.

Nếu phát huy được thế mạnh đặc trưng, Hà Nội sẽ có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.