Nằm trong chuỗi các hoạt động Xúc tiến thương mại nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chiều 23-6, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ: Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đạt đến năm 2025, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt trên 70% (hiện nay, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ đạt khoảng 40%). Để đạt được mục tiêu của Chương trình số 07-Ctr/TU đặt ra, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, trong đó, công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng. Cuộc hội thảo là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu vẫn ở quy mô hộ, manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết đối với Hà Nội để bảo đảm an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thời gian qua, Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh... Do đó, rất cần có một số cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa, đặc biệt là trong vấn đề đất đai, quy hoạch phát triển... để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Các tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung vào nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, theo bà Lê Thanh Hiếu, nguyên Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn và thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia với vai trò chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, cần tổng kết đánh giá vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ liên kết 3-4-5 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông hộ đã chủ động đầu tư, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc GAIA International VINA đã trình bày về ứng dụng công nghệ cao trong phân loại bảo quản, sơ chế rau quả; đại diện Nhóm dự án JICA (Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trình bày về kết quả ứng dụng công nghệ chiếu sáng tích hợp điều khiển IoT smartfarm trong nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội...
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao hy vọng sẽ có nhiều giải pháp được ứng dụng rộng rãi hơn vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ đứng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.