(HNM) - Việt Nam nằm trong tốp 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Sự ra đời của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã giúp kết nối các mạng lưới, thu hút đầu tư và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sự cần thiết
Triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), thời gian qua, nhiều cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được hình thành và đi vào hoạt động tại các địa phương và các bộ, ngành. Tuy nhiên, đa số các trung tâm này chưa có mô hình hoạt động bền vững, cũng như chưa có sự kết nối chặt chẽ để hình thành mạng lưới hỗ trợ có tính chất thống nhất, nhằm tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước và hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Triển khai nhiệm vụ này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, với mục tiêu hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức hỗ trợ có năng lực, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.
Là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đóng vai trò hạt nhân, là tổ chức thường trực, vận hành mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, điều phối các nguồn lực sẵn có và thu hút mới cho các hoạt động xây dựng, phát triển hệ sinh thái, nhất là hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm của Nhà nước với các cơ sở giáo dục đào tạo và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để khai thác tối đa các lợi thế về nguồn lực từ cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính… sẵn có, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tạo ra giá trị mới cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Được thành lập từ tháng 3-2019, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia có các nhiệm vụ: Nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; hợp tác, liên kết để huy động, khai thác nguồn lực trong và ngoài nước về nền tảng kỹ thuật số, thực tế ảo, thực tế tăng cường phục vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tìm kiếm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, kết nối hoạt động tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước với cộng đồng quốc tế; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; cung cấp dịch vụ, tư vấn thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương; triển khai tổ chức sự kiện
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) và các nhiệm vụ được giao thuộc Đề án 844, nhằm kết nối mạng lưới trong và ngoài nước, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về xu hướng công nghệ toàn cầu; khai thác kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Phạm Dũng Nam cho biết, khi một cá nhân, tổ chức nước ngoài đến Việt Nam xây dựng một hệ thống thúc đẩy kinh doanh, trước tiên họ sẽ cần tìm người để vận hành hệ thống đó. Sau đó, họ cần tìm địa điểm đặt các văn phòng hỗ trợ và làm việc với chính quyền các địa phương. Trong quá trình triển khai hoạt động ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp thì các tổ chức này vẫn cần đến mạng lưới của các chuyên gia Việt Nam.
Hoạt động của hệ thống Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia khi phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp định hướng mô hình hoạt động, đào tạo cho đội ngũ cán bộ vận hành tại cơ sở và hỗ trợ mở rộng mạng lưới quan hệ với các tổ chức, chuyên gia, nhà đầu tư và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Các công tác này sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái trong trường và tại địa phương, hướng đến nâng cao vị thế của đơn vị khi kết nối vào Mạng lưới kết nối khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tuy mới thành lập, nhưng qua các hoạt động: Kết nối doanh nghiệp - nhà nước - viện, trường - đối tác quốc tế; tìm kiếm và hỗ trợ chuyên gia, công nghệ, đối tác, nhà đầu tư cho doanh nghiệp sáng tạo; dịch vụ khoa học và công nghệ; đào tạo, tập huấn doanh nghiệp; pitching gọi vốn - kết nối các startup với các tổ chức, quỹ đầu tư; hỗ trợ thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp các bước cần thiết để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; truyền thông và tổ chức sự kiện...
Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng trung tâm vẫn tổ chức 89 sự kiện lớn, nhỏ trong năm 2020, với đa dạng các loại hình công nghệ; gọi thành công 1.200.000 USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có các dự án đã được định giá 3-5 triệu USD như: Xifo hay XIXO, Haicorp, Petty, Hana…; tổ chức các cuộc thi, kết nối kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo theo đặt hàng của các đối tác quốc tế như: IPHATCH, Seoul Startup Hub, HeadCapital…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.