Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hôn nhân Việt - Hàn: Cần các hoạt động hỗ trợ

Lâm Vũ| 27/02/2012 06:03

(HNM) - Theo thống kê, năm 2001 mới chỉ có 134 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc thì sau 10 năm, con số này đã tăng lên khoảng 35.000 người. Điều đáng nói là tuy số cuộc hôn nhân Việt - Hàn đang gia tăng nhanh chóng, nhưng hoạt động hỗ trợ của cả hai phía vẫn còn khá hạn chế.


Khó hòa nhập vì khác biệt văn hóa, ngôn ngữ

PGS-TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển cho biết, việc kết hôn nhanh chóng giữa đàn ông Hàn và phụ nữ Việt như hiện nay đã khiến cô dâu không kịp chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, trong khi những vấn đề mà phụ nữ di cư kết hôn phải đối mặt là hết sức nghiêm trọng và phức tạp. Đó là sự khác biệt về văn hóa, luật pháp, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và lối sống.


Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc cần những hoạt động hỗ trợ cấp quốc gia.

Trong các gia đình Việt - Hàn, người vợ phải học ngôn ngữ, phong tục, học cách nấu ăn và tập ăn các món ăn của gia đình chồng, trong khi đó rất ít người chồng cần biết đến ngôn ngữ, văn hóa và cả món ăn của vợ. Con cái sinh ra chỉ theo văn hóa, ngôn ngữ Hàn Quốc mà không cần biết đến văn hóa của người mẹ. Sự khiếm khuyết này cũng là một nguyên nhân dẫn đến xung đột gia đình, xung đột văn hóa. Thêm nữa, thái độ kỳ thị của một số người dân là không tránh khỏi. Sự cô đơn trong gia đình và ngoài cộng đồng của người vợ ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc gia đình, đặc biệt khi người vợ phải hy sinh những nét văn hóa của mình để hòa nhập với gia đình nhà chồng. Đấy là chưa kể do hôn nhân qua môi giới, nhiều cô dâu vì phải nộp một món tiền lớn cho kẻ môi giới nên cố gắng lấy lại tiền từ chồng mình để gửi về quê cho cha mẹ trả nợ. Người chồng cho rằng vợ mình kết hôn chỉ vì tiền nên cũng phần nào thấy bất mãn. Họ lo ngại người vợ có thể bỏ trốn nên không cho vợ giữ tiền và không muốn cho vợ tiếp xúc nhiều với bên ngoài. Việc giữ tiền và giữ vợ của một số người đàn ông Hàn là không phù hợp với phong tục của người Việt. Phụ nữ Việt khi bị bó buộc ở nhà như vậy thường cảm thấy bức xúc, cô đơn. Và mâu thuẫn càng sâu sắc hơn khi họ sống chung mà không hiểu ngôn ngữ của nhau. Hậu quả là không ít phụ nữ đã bỏ trốn ra ngoài để đi làm kiếm tiền và được tự do.

Thiếu hoạt động hỗ trợ

Theo PGS-TS Lê Thị Quý, đến nay, các can thiệp cấp quốc gia và khu vực đối với tình trạng di cư hôn nhân và buôn bán người hiện nay chủ yếu tập trung vào các hoạt động ngăn chặn buôn bán phụ nữ, điều tra, xét xử tội phạm. Gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế bắt đầu có những chương trình hỗ trợ cô dâu lấy chồng nước ngoài, môi giới hôn nhân cho họ theo con đường hợp pháp, dạy nấu ăn, dạy ứng xử… Tuy nhiên, những chương trình này chưa được mở rộng. Hiện tại, ở nhiều địa phương chưa có những chương trình hỗ trợ phụ nữ di cư kết hôn phù hợp. Không ít cô gái khi gặp khó khăn không biết tìm đến cơ quan nào để xin tư vấn và giúp đỡ. Một số địa phương cũng mới chỉ ban hành quy chế tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân trở về đoàn tụ cùng gia đình, tái hòa nhập cộng đồng sau khi bị lừa bán hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống với chồng nước ngoài còn việc tạo điều kiện, giúp đỡ, chuẩn bị cho cô dâu Việt hòa nhập với xã hội Hàn thì còn ít được quan tâm. Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông về vấn đề này còn rất hạn chế, chưa thực sự giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hàn Quốc cũng đã có một số hoạt động trợ giúp các cô dâu Việt Nam như thành lập các trung tâm hỗ trợ cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc, các chương trình chống bạo lực gia đình trong các gia đình quốc tế, chương trình đưa một số cặp vợ chồng hạnh phúc về Việt Nam thăm gia đình… Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và thiếu sự hợp tác giữa hai bên.

PGS-TS Lê Thị Quý cho rằng, để bảo vệ hôn nhân của phụ nữ Việt, tôn trọng văn hóa hai nước và phòng, chống buôn bán người, cần có hoạt động hỗ trợ từ cả hai nước. Chẳng hạn, phía Việt Nam cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho những người có ý định lấy chồng Hàn Quốc, lập ra những trung tâm tư vấn hôn nhân, tổ chức lớp học ngôn ngữ và cung cấp những hiểu biết về đất nước và con người Hàn Quốc, những khó khăn mà cô dâu có thể gặp phải, giúp họ những kỹ năng sống và cách thích ứng tốt nhất khi về làm dâu, giúp họ biết được địa chỉ của các tổ chức hỗ trợ khi họ gặp khó khăn. Phía Hàn Quốc cần có những hoạt động truyền thông cho những người chồng về các quan niệm về hôn nhân đúng đắn, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, can thiệp vào các hoạt động nhập quốc tịch, chống kỳ thị các cô dâu và con cái họ, dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ con lai. Cuối cùng, cần có hoạt động giúp người chồng hiểu biết về bạn đời, gia đình họ và văn hóa Việt Nam, bởi lẽ đây là một yếu tố cần thiết bảo đảm cho hôn nhân bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hôn nhân Việt - Hàn: Cần các hoạt động hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.