Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn một năm thí điểm xử lý nợ xấu: “Nút thắt” đã mở...

Hà Linh| 29/08/2018 06:11

(HNM) - Đến nay, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (ban hành ngày 21-6-2017) đã được triển khai hơn một năm. Sự ra đời của nghị quyết này, dù còn những vướng mắc, song đã mở “nút thắt” cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cũng như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)...

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã mở “nút thắt” trong xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Ảnh: Hữu Tiệp


Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,09%

Nợ xấu từng bị coi là "cục máu đông" gây tắc nghẽn "dòng chảy" của nền kinh tế, khiến nhiều tổ chức tín dụng rơi vào cảnh phải xóa tên để sáp nhập vào đơn vị khác. Với hàng nghìn dự án bỏ hoang, doanh nghiệp dừng hoạt động... cùng nhiều hệ lụy khác, nợ xấu đã khiến cả nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro, song xử lý lại không đơn giản. Những khoản nợ xấu lộ diện sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng quá nóng được coi như bài học lớn, đắt giá cho các tổ chức tín dụng.

Qua nhiều năm “xoay xở” với không ít những bàn cãi, ý kiến trái chiều, sự ra đời của Nghị quyết 42, mặc dù không hẳn là “chiếc gậy thần” nhưng cũng đã gỡ nhiều "nút thắt" giúp việc xử lý nợ xấu đơn giản hơn.

Trước hết, Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chia sẻ, Nghị quyết 42 đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường. Doanh số mua nợ thị trường của VAMC đến 15-8-2018 đạt 3.523 tỷ đồng, thu hồi được 3.408 tỷ đồng, tương ứng với 98% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường. Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng đã được mở rộng, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Tính đến hết tháng 6-2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ giảm còn 2,09% (thời điểm 31-12-2016 tỷ lệ này là 2,46%). Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý 138.290 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh hơn tiến độ

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 lại lộ diện một số vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quá trình tố tụng, thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm…

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Trần Văn Dự nêu dẫn chứng, mặc dù Bộ Tài chính có Văn bản 4606/BTC-TCT ngày 20-4-2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42, nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. "Không biết phải đóng thuế ra sao nên sau khi tài sản bảo đảm được bán, người mua chưa thể nhận được tài sản. Do đó, cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về vấn đề này" - ông Trần Văn Dự nói.

Cũng theo ông Trần Văn Dự, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ. Nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng xiết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Chuyên gia ngân hàng, Luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín nhận định, Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng được thực hiện quyền thu giữ tài sản là một bước tiến giúp quá trình xử lý nợ xấu được thuận lợi hơn. Nhưng, thực tế việc triển khai Nghị quyết 42 vẫn còn khó khăn. Đó là việc nhiều ngân hàng thu giữ tài sản xong, nhưng khi bán đấu giá thì khách hàng không mua với mức giá đó, nên ngân hàng cũng “bó tay”. Ngay cả việc rút ngắn thủ tục giải quyết tranh chấp ở tòa án cũng chỉ tập trung kéo ngắn thời gian xét xử. Trong khi, khúc mắc chính không hẳn ở tòa mà lại ở khâu thi hành án. Bản án có hiệu lực, nhưng không thể thi hành được khi "con nợ" không hợp tác... Đó là chưa nói đến tính pháp lý của các hồ sơ tín dụng chưa đầy đủ đã làm cản trở quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, không để quá trình này chậm lại. Các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện kế hoạch cơ cấu lại của ngân hàng mình theo hướng tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong xử lý nợ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn một năm thí điểm xử lý nợ xấu: “Nút thắt” đã mở...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.