Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 38% doanh nghiệp chưa hài lòng với công tác kiểm tra, thanh tra về xây dựng

Hồng Sơn| 26/11/2020 12:32

(HNMO) - Ngày 26-11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng và Quỹ Friedrich Naumann Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức hội thảo "Thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan: Dưới góc nhìn của doanh nghiệp”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định phức tạp. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã chú trọng cải thiện thủ tục hành chính về xây dựng theo hướng đơn giản hóa và minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu rủi ro, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, công trình. Đơn cử, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm số lần thanh, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp. 

Kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp của VCCI cho thấy, cải cách hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực thì cơ bản đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những phản ánh của doanh nghiệp vẫn cho thấy, hiện nay, vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính là rất lớn. Với nhiều dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục hành chính ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau, liên quan tới nhiều công đoạn, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, khởi công...

Thực tế cũng cho thấy, những chồng lấn, xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền... đã gây ra sự tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Bản thân các cơ quan chính quyền cũng có lúc lúng túng trong áp dụng pháp luật và phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý trong thời gian gần đây.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, để xin được giấy phép xây dựng, trung bình, chủ công trình phải gặp cơ quan chức năng 3 lần; không ít trường hợp phải đi nhiều lần hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và dân doanh thường gặp khó khăn hơn so với doanh nghiệp nhà nước hoặc đầu tư nước ngoài trong xin giấy phép xây dựng. Hơn 38% doanh nghiệp chưa hài lòng đối với công tác kiểm tra, thanh tra về xây dựng; chi phí không chính thức chưa được triệt tiêu; 32,5%-58,4% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến xây dựng (trừ thủ tục về cấp điện, cấp nước).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc trao đổi ý kiến và tiếp nhận thông tin phản hồi từ doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính; tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng ý thức thực thi công vụ...

Hiện, chỉ số cấp phép xây dựng được xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số quan trọng nhất của Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, cần tiếp tục củng cố kết quả đạt được, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp; đặc biệt là bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và thái độ phục vụ của từng cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ tại các cơ quan quản lý...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 38% doanh nghiệp chưa hài lòng với công tác kiểm tra, thanh tra về xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.