Chiều 8-3, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, từ khi triển khai thực hiện Quyết định 32/QĐ-TTg, hơn 1.000 chiếc xe công đã được rà soát và thanh lý.
Tuy nhiên, còn khoảng 2.000 xe ôtô công đã được các bộ, ngành và địa phương xác định là dư thừa nhưng chưa báo cáo về Bộ Tài chính và cũng chưa có phương án xử lý.
Số liệu công bố của Cục quản lý công sản cũng cho thấy, tính đến ngày 31-12-2016, cả nước có 34.214 xe ôtô công; trong đó, 864 xe ôtô phục vụ chức danh, 17.047 xe ôtô phục vụ công tác chung; số còn lại là xe chuyên dùng.
Mỗi năm, chi phí để “nuôi” 1 xe công khoảng 320 triệu đồng cho các khoản như khấu hao, thuê lái xe, bảo dưỡng và sửa chữa…
Trong năm 2016, 1.105 xe công của các bộ, ngành và địa phương đã được tiến hành thanh lý. Theo báo cáo, số tiền thu được từ việc bán thanh lý 761 xe ôtô là khoảng 35,15 tỷ đồng; tương đương với 46,2 triệu đồng/xe.
Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quyết định 32/2015/QĐ-TTg, ông Thắng cho biết, chính sách quản lý xe công hiện hành đã cho thấy, những tác động tích cực như xác định được số xe ôtô được phép sử dụng của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, số xe ôtô thừa, thiếu so với tiêu chuẩn, định mức để chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý và sử dụng xe công.
Đồng thời, giảm được số lượng xe ôtô phục vụ công tác chung và xử lý số lượng xe dôi, dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán hay thanh lý để thu tiền nộp ngân sách Nhà nước.
Một số bộ, ngành và địa phương đã áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công, góp phần tiết kiệm chi ngân sách và được dư luận, nhân dân đồng tình.
Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định 32/2015/QĐ-TTg vẫn phát sinh một số vướng mắc như dù số lượng xe phục vụ công tác chung giảm nhưng số xe chuyên dùng lại có xu hướng tăng. Quy định về định mức sử dụng xe công tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa phù hợp nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên ít chức danh đăng ký áp dụng và việc triển khai thực hiện chỉ mang tính thăm dò, thí điểm, chưa tạo được động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công…
Do đó, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý xe công, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án và lộ trình thực hiện khoán xe ôtô công đối với một số chức danh theo quy định, phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm từ 30% đến 50% số lượng xe công đang được trang bị cho các bộ, ngành và địa phương, trừ những đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.
Theo dự thảo quyết định thay thế Quyết định 32/2015/QĐ-TTg, Bộ Tài chính dự kiến, giá mua xe ôtô tối đa sẽ là 1,1 tỷ đồng/xe đối với các chức danh Thủ trưởng đơn vị, được sử dụng xe thường xuyên trong thời gian công tác.
Thứ trưởng được sử dụng xe công với mức giá tối đa không quá 920 triệu/xe. Xe ôtô phục vụ công tác chung được quy định mức giá không quá 720 triệu đồng/xe. Riêng xe ôtô 2 cầu có thể được tăng mức giá từ 1,04 tỷ đồng lên mức 1,1 tỷ đồng/xe để phù hợp với giá thị trường.
Quy định về mức khoán kinh phí sử dụng xe và thuê xe dịch vụ sẽ có 2 phương án. Một là, thực hiện khoán kinh phí với mức 6,5 triệu đồng/tháng (mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%).
Hai là mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác… là 16.000 đồng/km hoặc trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Việc quyết định đơn giá khoán cụ thể sẽ do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.
Dự kiến, đến quý II năm 2017, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách nhân rộng việc khoán xe công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.