Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hồi xuân” nhờ bóng cửa

Quang Thái| 04/06/2017 07:21

(HNM) - Bóng cửa vốn là một môn thể thao dành cho giới

Câu lạc bộ Bóng cửa làng Xuân Bách.


Niềm vui mỗi trận đấu

Đều đặn 15h chiều hằng ngày, mặc nắng, mặc mưa, các cụ già lứa tuổi từ 60 đến 87 ở làng Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) lại ra sân làng để chơi bóng cửa. Mỗi người vác theo một vật dụng giống như chiếc búa, gọi là vồ, một túi đựng 10 quả bóng to như quả bi-a. Môn thể thao nửa giống đánh golf, nửa lại na ná như môn bi-a, ấy thế mà khiến các cụ già ở cái tuổi lưng còng, tóc bạc nơi đây phải mê mẩn.

"Tuổi xuân bóng đá, bóng chuyền
Cụ già bóng cửa khắp miền quê ta
Cụ ông cùng với cụ bà
Giao lưu bóng cửa thật là vui thay!"


Ấy là những câu thơ quen thuộc được cụ bà Nguyễn Thị Chải, 87 tuổi, thành viên cao tuổi nhất trong đội bóng cửa làng Xuân Bách, cất lên trước khi bắt đầu mỗi trận đấu.

Một trận đấu diễn ra trong 30 phút với 10 người, chia làm 2 đội, mỗi đội 5 người, mỗi người sở hữu một quả bóng cùng màu với đội mình. Đánh bóng qua một cửa được một điểm, đánh trúng cột cờ giữa sân là đích cuối cùng được hai điểm, mỗi người trong đội hoàn thành lượt chơi với tổng cộng 5 điểm. Trong quá trình thi đấu, các thành viên trong đội dùng trái bóng của đội mình làm “cầu nối” tiến đến cột giữa sân và phá bóng của đối phương, buộc đối phương phải chơi lại từ đầu. Kết thúc trận đấu, đội nào nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng. Thế nhưng để kiếm được 5 điểm và hoàn thành cuộc chơi không dễ chút nào. Cụ ông Nguyễn Văn Huấn, 72 tuổi nói: “Đầu tiên, phải đánh bóng qua cửa sắt thứ nhất cách trái bóng chừng hơn 2m, đó gọi là nhập môn. Cửa này tưởng dễ nhưng không dễ, người nào đánh 5 lần không qua cửa sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.

Cái sân làng rộng gần 200m2 được chôn 3 cái gôn bằng sắt ở 3 góc với chiều cao, rộng gần 20cm và một cái cột cờ nằm ở giữa sân. Thanh niên mắt sáng đánh vào đã khó, thế mà các cụ mắt mờ, chân chậm vẫn đánh được quả bóng lăn qua từng cửa một cách điêu luyện.

“Lấy 7 bắc cầu cho 5, đánh trúng 6, đánh đi” cụ Huấn chỉ đạo chiến thuật cho một cụ bà trong đội. Cụ Huấn gõ cây vồ xuống đất, mắt nhìn chằm chằm về phía cụ bà đang đung đưa chiếc vồ lấy đà đánh bóng. “Bụp” trái bóng đi đúng theo tính toán của cụ Huấn, nhờ đó cụ bà đã ghi điểm tuyệt đối. Thế nhưng, cũng có lúc chiến thuật của cụ Huấn lại vô tác dụng trước những đường bóng chuẩn xác của cụ Nguyễn Thị Chải (đội trưởng đội đối phương).

Cụ Chải nổi tiếng với đôi “mắt cú” và đôi bàn tay dẻo dai, mỗi đường bóng của cụ có độ chính xác rất cao. Cụ Chải chia sẻ: “Khi ngắm đánh phải nhắm thẳng trái bóng để xác định đường đi, tay cầm chắc gậy, khi vung ra phải dứt khoát thì trái bóng sẽ đi đúng hướng và điều quan trọng nhất là không để bị phân tâm bởi sự hô hào của đội đối phương”. Mỗi lần bóng đi theo đúng ý, cụ Chải lại cười rất to, kèm theo động tác đung đưa cây gậy và lắc hông ăn mừng... Động tác ấy khiến mọi người có mặt trên sân đều phải lăn ra cười.

Trận đấu làng thôi nhưng cũng rất kịch tính. Chẳng thế mà chiều nào cái sân bóng của làng Xuân Bách cũng rộn vang tiếng cười, tiếng hò reo xen lẫn tiếng tặc lưỡi tiếc nuối sau mỗi pha bóng hỏng.

Sống khỏe từ bóng cửa

Nhìn các cụ già chơi bóng, đôi chân thoăn thoắt, đôi tay nhanh nhẹn, đôi mắt chăm chú ngắm đánh, không ai nghĩ rằng họ đã ở ngoài cái tuổi “thất thập”. Các cụ có thể quên ăn nhưng không thể quên giờ chơi bóng. Cụ Nguyễn Thị Mận, 86 tuổi chia sẻ: “Tôi vừa ở Bắc Ninh về, may vẫn kịp giờ chơi. Hôm nào không chơi được là chân tay cảm thấy bứt rứt, khó chịu”. Môn thể thao đặc biệt này có sức hút kỳ lạ cũng bởi những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển như cuốc đất, trồng rau gần gũi với công việc hằng ngày của người nông dân. Nhiều cụ già vì sức khỏe yếu, không thể chơi được nhưng chiều nào cũng ra sân để xem, cổ vũ và coi đó là một thú vui tuổi già. Cụ ông Nguyễn Văn An, 78 tuổi chia sẻ: “Chân tôi đau, tay bị run, mắt thì kém nên không thể chơi được. Nhưng chiều nào tôi cũng ra xem, thấy các cụ chơi tôi vui lắm!

Bóng cửa không chỉ cho các cụ những giây phút thoải mái và tiếng cười vang ở nửa cuối cuộc đời… mà còn cho họ có thêm sức khỏe để xua đi mệt mỏi, bệnh tật. Cụ bà Nguyễn Thị Xuân, 72 tuổi chia sẻ: “Từ khi chơi môn này mắt tôi tinh hẳn ra, không như trước kia mắt bị chảy nước suốt. Mỗi buổi chiều chơi bóng tính ra quãng đường đi bộ cũng phải vài ki lô mét. Cuốn theo sự vận động ấy, căn bệnh đau cột sống của tôi cũng cải thiện đáng kể”.

Phong trào chơi bóng cửa nở rộ ở các huyện ngoại thành Hà Nội, chủ yếu ở 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Mỗi khi nhắc đến Sóc Sơn, mọi người sẽ nhớ ngay đến Câu lạc bộ Bóng cửa làng Xuân Bách bởi những thành tích họ đạt được trong mỗi cuộc thi. Những trận đấu bóng của làng Xuân Bách cho người xem đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Sự hiểu ý, gắn kết giữa các đồng đội và luôn tuân thủ chặt chẽ sự chỉ đạo của đội trưởng chính là điểm mạnh lớn nhất của đội bóng cửa nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng thôn Xuân Bách cho biết: “Vào những ngày hội làng, lễ, Tết, thôn thường tổ chức thi đấu bóng, mời đội bóng ở các xã, huyện lân cận sang giao lưu. Khi các cụ thi đấu giải bóng cấp huyện, thôn đều hỗ trợ câu lạc bộ bóng cửa làng Xuân Bách một phần chi phí để khích lệ tinh thần các cụ”.
Khi mặt trời khuất dần sau lũy tre làng cũng là lúc những trận đấu bóng cửa kết thúc, các cụ lại trở về quây quần cùng con cháu. Bóng cửa giúp các cụ quên đi những lo toan trong cuộc sống, bệnh tật, ốm đau. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” bóng cửa giống như một liều thuốc tinh thần giúp các cụ già ở làng Xuân Bách luôn vui tươi, sống khỏe và sống có ích…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hồi xuân” nhờ bóng cửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.