Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội sách Frankfurt và cơ hội quảng bá Hà Nội - Việt Nam

Vũ Trọng Đại| 23/01/2020 08:38

1. Từ Hà Nội, sau 12 giờ đồng hồ, tôi đặt chân xuống sân bay Frankfurt (Đức), vội vàng bắt xe về khách sạn, chỉ kịp gửi hành lý ở quầy lễ tân và thay quần áo ngay trong toilet của khách sạn rồi đi thẳng tới Hội sách Frankfurt để kịp cuộc hẹn đầu tiên trong ngày khi hội sách vừa mở cửa.

Hội sách Frankfurt (tiếng Đức là Frankfurter Buchmesse) là hội sách thương mại lớn nhất thế giới, diễn ra trung tuần tháng 10 hằng năm. Năm 2018, hội sách đón hơn 285.000 lượt người đến từ 164 quốc gia. Là sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản toàn cầu, hội sách thu hút trên 10.000 phóng viên và blogger đưa tin, khách truy cập website đến từ 198 quốc gia, hơn 66.000 người đặt bản tin hội sách... 7.503 tổ chức và cá nhân từ 109 quốc gia đã triển lãm và giới thiệu sản phẩm tại hội sách, gồm ấn phẩm và các sản phẩm, dịch vụ liên quan; thực hiện hơn 4.000 cuộc giao dịch trong thời gian diễn ra hội sách. Đã thành thông lệ, trong 5 ngày hội sách, 3 ngày đầu tiên chỉ dành cho giới xuất bản và liên quan, 2 ngày cuối tuần mới mở cửa cho công chúng tham quan.

Frankfurter Buchmesse còn là hội sách lâu đời bậc nhất trên thế giới, hình thành từ hơn 500 năm trước. Theo tài liệu xưa nhất còn lưu giữ, một khu chợ tương đối lớn đã tồn tại ở thành phố Frankfurt vào năm 1074. Đến giữa thế kỷ XII, hội chợ bắt đầu hình thành nhưng vẫn chưa có sách. Đến năm 1454, ngay sau khi Johannes Gutenberg - ông tổ ngành in thế giới - phát minh ra công nghệ in chữ rời ở Mainz, một thành phố nhỏ cách Frankfurt chừng 30km về phía Nam, thì Hội sách Frankfurt đầu tiên mới chính thức hình thành. Người ta cho rằng chính Gutenberg đã tới tham gia hội sách đầu tiên này.

Sự phát triển nóng của ngành in kể từ sau phát minh của Gutenberg tạo điều kiện thuận lợi cho ngành xuất bản và các hội sách phát triển. Tuy không phải là trung tâm xuất bản - in ấn hàng đầu, cũng không có trường đại học, nhưng Frankfurt sớm trở thành trung tâm buôn bán sách quan trọng. Các nhà xuất bản - nhà in đổ dồn về Frankfurt giao dịch. Thành phố này nằm ở giao lộ của hai tuyến thương mại quan trọng - một tuyến đi từ phía Nam lên phía Bắc Đức rồi sang Bỉ và Hà Lan; một tuyến đi từ phía Tây qua Paris để sang phía Đông tới Magdeburg và Leipzig (Đức). Ngoài ra, một lợi thế khác là việc vận chuyển hàng hóa cũng nhanh chóng và tiết kiệm hơn khi chuyên chở bằng thuyền chạy dọc theo sông Rhine hoặc sông Main, đều chảy qua Frankfurt.

Cho tới cuối thế kỷ XVII, Frankfurter Buchmesse là hội sách quan trọng nhất ở châu Âu. Thế nhưng trong khoảng một thế kỷ, từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa cuối thế kỷ XIX, Frankfurt đánh mất vị thế này vào tay một thành phố Đức khác: Leipzig. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Frankfurter Buchmesse được tổ chức lại vào năm 1949 và kể từ đấy trở đi, Frankfurt giành lại vị trí trung tâm sách thương mại số một của thế giới.

Đầu thập niên 1970, Frankfurter Buchmesse bị báo giới phê bình vì thiên về thương mại. Ban Giám đốc hội sách đã tổ chức các cuộc thảo luận với giới báo chí để cùng bàn bạc, nêu ra những ý kiến có tính xây dựng về phương hướng, tương lai của hội sách. Cuối cùng, các ý kiến nhất trí rằng cần sáng tạo hoạt động theo chủ đề, qua đó mang lại hơi thở mới cho hội sách đang dần dần bị chi phối bởi tâm lý chạy theo thị hiếu. Năm 1976, Frankfurter Buchmesse triển khai chủ đề đầu tiên: Văn học Mỹ La tinh; sau đó cứ hai năm một chủ đề mới: 1978 về Trẻ em và sách, 1980 về châu Phi vùng hạ Sahara, 1982 về Tôn giáo... Bắt đầu từ năm 1986, Frankfurter Buchmesse chuyển hẳn sang chủ đề theo từng quốc gia - khách mời danh dự (Guest of Honour), đầu tiên là Ấn Độ; tới năm 1989 bắt đầu tổ chức chủ đề quốc gia thường niên chứ không còn cách hai năm một lần như trước. Từ đó đến nay, đã có gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành khách mời danh dự của Frankfurter Buchmesse. Trong số đó, có 5 quốc gia đến từ châu Á là Ấn Độ (hai lần vào năm 1986, 2006), Nhật Bản (1990), Hàn Quốc (2005), Trung Quốc (2009) và Indonesia (2015).

2. Ngày nào cũng một guồng quay gấp gáp. Tôi không thể chậm trễ khi tất cả đối tác và đồng nghiệp từ các quốc gia khác tận dụng từng chút thời gian để trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ngày nào tôi cũng đi bộ khoảng 10km giữa các khu triển lãm rộng lớn của hội sách để gặp gỡ, làm việc liên tục từ 9h sáng đến 18h, trừ khoảng thời gian ngắn nghỉ trưa.

Sáng ngày thứ hai ở Frankfurter Buchmesse, tôi hẹn gặp bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Frankfurter Buchmesse tại gian triển lãm và giới thiệu sách của Hà Nội - Việt Nam. Tôi và bà Claudia quen biết và làm việc với nhau nhiều năm nay, kể từ lần đầu chúng tôi gặp gỡ tại Hội sách quốc tế Jakarta 2013. Vào năm đó, bà Claudia Kaiser đại diện cho Frankfurter Buchmesse, phối hợp cùng Hiệp hội Xuất bản Indonesia tổ chức các buổi tọa đàm để cung cấp thông tin cho nước chủ nhà Indonesia về hoạt động khách mời danh dự, các điều kiện của khách mời danh dự và những việc mà quốc gia là khách mời cần chuẩn bị: Những cuốn sách tiêu biểu của nền xuất bản quốc gia khách mời cần dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức; các tác giả tiêu biểu của quốc gia khách mời sẽ thực hiện hành trình đọc sách (reading tour) để quảng bá sách không chỉ ở Frankfurt mà còn tại nhiều thành phố ở Đức và châu Âu; quốc gia khách mời cần làm những gì để xây dựng hình ảnh văn hóa đặc trưng của nước mình tại không gian dành riêng cho khách mời danh dự...

Nói thêm về Indonesia - khách mời danh dự 2015: Đã có 180 nhà xuất bản đến từ 30 quốc gia giới thiệu 850 cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau nhân dịp Indonesia là khách mời danh dự của Frankfurter Buchmesse. 850 cuốn sách gồm các thể loại: Hư cấu, đất nước - con người, chính trị, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc, ngôn ngữ, du lịch, ẩm thực. Frankfurter Buchmesse đã dành 350m2 cho gian hàng của các nhà xuất bản Indonesia.

Quay trở lại buổi sáng hôm ấy tại Frankfurter Buchmesse, tôi và bà Claudia nói chuyện về những thay đổi của nền xuất bản Việt Nam, về tương lai gần khi Hà Nội - Việt Nam dự kiến là khách mời danh dự của Hội sách Frankfurt, về những gì mà Việt Nam cần chuẩn bị với tư cách khách mời danh dự. Biết bao việc cần làm mà thời gian còn lại không nhiều. Từng nhiều năm làm việc ở Nhà Xuất bản Thế giới - nhà xuất bản chuyên về sách ngoại văn của nước ta, tôi hiểu rằng chỉ mỗi việc dịch thuật sách tiếng Việt ra tiếng Anh, tiếng Đức - đủ số lượng cần thiết để thế giới hiểu về Việt Nam - đã là một công việc đầy thách thức. Về tổng thể các việc cần làm, đây không chỉ là công việc của ngành xuất bản, của địa phương mà là khối lượng công việc đồ sộ cần sự phối hợp của một số bộ, ngành liên quan. Bởi lẽ, đó chính là cơ hội lớn để quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với thế giới.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, Hà Nội đã tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt liên tục từ năm 2016 đến nay và gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam đều ăm ắp các sự kiện, hoạt động, được Ban Tổ chức cũng như độc giả, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hà Nội - Việt Nam đang nỗ lực để nhận vinh dự trở thành khách mời danh dự tại Hội sách quốc tế Frankfurt giai đoạn 2024-2025. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hiện thực hóa mục tiêu này. Việc trở thành khách mời danh dự tại Hội sách quốc tế Frankfurt là cơ hội lớn để quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội sách Frankfurt và cơ hội quảng bá Hà Nội - Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.