Chuyển đổi xanh là con đường phải đi của các doanh nghiệp du lịch để hướng đến phát triển bền vững, hiệu quả. Đó là tinh thần chủ đạo của diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh – Nâng tầm du lịch Việt Nam” diễn ra vào ngày 11-4 tại Hà Nội.
Nâng tầm du lịch Việt
Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình. “Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai”, ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Thực tế, nhiều năm nay, du lịch Việt Nam đã xác định rõ chiến lược phát triển du lịch xanh là mục tiêu hàng đầu. Từ năm 2018 – 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã vận động các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Sau đại dịch Covid-19, sau khi hoàn thành dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch do UNDP tài trợ, Hiệp hội đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN), với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước.
Tham gia diễn đàn, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là khát vọng mà còn là đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược. Hiện tại, dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam" đang được UNDP phối hợp triển khai và tài trợ thông qua các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Dự án đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy cho các doanh nghiệp du lịch hướng tới một tương lai không rác thải nhựa.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí, 4 vấn đề cốt lõi để du lịch Việt Nam hướng tới tiêu chí “xanh”, đó là: Quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Hướng đến “Net Zezo”
Thảo luận các vấn đề liên quan đến du lịch xanh, GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, du lịch xanh là phải hướng đến giảm phát thải carbon, đòi hỏi ngành du lịch nên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng). Ngành Du lịch cần khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Công ty du lịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, du lịch Việt Nam phát triển dựa trên 4 trụ cột: Văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người. Để phát triển du lịch xanh thì cả 4 trụ cột trên cũng phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc sử dụng năng lượng sạch, hiệu quả; giảm thải rác thải nhựa, không có lợi cho môi trường; bảo tồn văn hóa bản địa; ý thức của cộng đồng và du khách. “Du lịch xanh bây giờ không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian bằng cây cối, giữ gìn vệ sinh môi trường trong sạch mà còn phải hướng đến Net Zezo, có nghĩa là sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch”, ông Phạm Hà cho biết.
Hiện nay, việc phát triển du lịch xanh đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai. Nhiều mô hình thành công nhưng cũng có không ít địa phương vẫn loay hoay với không ít thách thức. Chia sẻ thẳng thắn tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, đã có một số doanh nghiệp triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Tràng An – Ninh Bình; KDL sinh thái Thung Nham – Ninh Bình; Mũi Né Bay Resort – Bình Thuận; Furama Resort – Đà Nẵng, H’Mong Village Resort – Hà Giang....Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai sẽ gặp một số khó khăn như: Thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu, không dễ thay đổi thói quen vận hành cũ vì thế, để triển khai được cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên cộng đồng và du khách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cũng chia sẻ, việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Sản phẩm du lịch xanh giá thành cao nên khó cạnh tranh cũng như tiếp cận thị trường đại chúng. Các doanh nghiệp triển khai loại hình du lịch này chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm…
Nhận diện những khó khăn, thách thức mà các địa phương, doanh nghiệp còn đang phải đối diện, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh trong du lịch trên với 5 trụ cột: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các sản phẩm điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh; ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số. “Đã đến lúc các đối tác trong ngành Du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với mục tiêu phát triển chung của đất nước”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.