Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị

Theo K.T| 11/03/2015 14:38

Ngày 11/3, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; Văn phòng Trung ương và đại diện các ban Đảng Trung ương; Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện một số cơ quan, đơn vị, trường học chuyên môn…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác lý luận, thường xuyên lãnh đạo, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh để Đảng ta có đủ sức lãnh đạo cách mạng giành được những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử 85 năm qua. Nhờ nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận và làm tốt công tác lý luận, nên các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng ta khi ban hành là đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của nhân dân…

Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Nghị quyết số 37 giữ vai trò đặc biệt quan trọng về công tác lý luận, chứa đựng những định hướng lớn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Do vậy, việc học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 37 trong cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình triển khai Nghị quyết. Đồng chí đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, nắm vững những nội dung của Nghị quyết. Trên cơ sở đó, nghiêm túc đánh giá hoạt động lý luận và công tác lý luận ở bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình để làm rõ hiệu quả và thực trạng trong thực tiễn, từ đó, chỉ đạo công tác lý luận phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Ban Tuyên giáo Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết số 37 là chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng xây dựng hệ thống chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lý luận giai đoạn 2016 - 2021 và tiếp theo, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả việc triển khai Nghị quyết.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: K.T)


Giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 37, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Sau hơn 20 năm kể từ khi ban hành Nghị quyết số 01- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, công tác lý luận của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: tư duy lý luận tiếp tục có bước phát triển; chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. Đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (về bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội; các định hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội; về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng…). Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận được quan tâm, định hướng với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú hơn. Việc giáo dục lý luận chính trị được triển khai sâu rộng trong Đảng và hệ thống chính trị. Công tác nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng có đổi mới. Đội ngũ cán bộ lý luận được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển. Việc phát huy dân chủ, tự do sáng tạo trong nghiên cứu lý luận được coi trọng. Cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng đã đạt kết quả bước đầu. Các cơ quan lý luận của Đảng, Nhà nước được tổ chức, sắp xếp lại, khắc phục một bước tình trạng phân tán, chồng chéo và kém hiệu quả. Cơ chế hoạt động và quản lý nghiên cứu lý luận đã có bước đổi mới. Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu lý luận từng bước được tăng lên; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lý luận được coi trọng, có bước phát triển mới. Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, phấn đấu tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, công tác lý luận còn có những hạn chế, khuyết điểm: Nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và quản lý các hoạt động lý luận còn nhiều bất cập, thiếu gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; giữa cán bộ lý luận và cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn; giữa công tác nghiên cứu lý luận và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận. Những hạn chế, khuyết điểm nói trên có nguyên nhân khách quan là quá trình đổi mới, phát triển đất nước nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Phân tích nguyên nhân những hạn chế, khuyết điểm, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Về chủ quan, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác lý luận, công tác giáo dục lý luận chính trị. Phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị còn có mặt hạn chế, bất cập. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận còn hạn chế.

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển mới, Nghị quyết số 37 xác định rõ phương châm, nhiệm vụ lớn và các hướng nghiên cứu chủ yếu cho công tác lý luận và hoạt động lý luận của đất nước ta trong tình hình mới.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm của Nghị quyết số 37. Đồng chí yêu cầu, sau Hội nghị này, các đại biểu sẽ tích cực triển khai nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 37, trước mắt để phục vụ việc thảo luận dự thảo văn kiện Đảng, tổ chức tốt đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng; về lâu dài, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ công tác lý luận ở các địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng của đất nước trong tình hình mới./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.