(HNM) - Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc tại thành phố Biarritz thuộc miền Tây Nam nước Pháp với 1 bản Tuyên bố chung vô cùng ngắn gọn. Kết quả này được coi là bước tiến đáng kể so với thời điểm năm 2018, khi các bên bất đồng và không thể ra được một văn kiện chung.
Tuyên bố chung của G7 dài đúng 1 trang giấy do Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron soạn thảo, trong đó liệt kê một loạt nguyên tắc được tất cả các lãnh đạo G7 chấp thuận, bao trùm hầu như toàn bộ các vấn đề nóng của thế giới, từ tranh chấp thương mại, căng thẳng hạt nhân Iran, tình hình Ukraine cho đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đang tàn phá rừng Amazon - “lá phổi” của Trái đất.
Ông chủ Điện Elysee hoan nghênh việc đạt được đồng thuận tại hội nghị về một số vấn đề quốc tế, với việc các nhà lãnh đạo G7 tìm được điểm chung, rất tích cực và chưa có tiền lệ, cho phép các nước hướng về phía trước theo cách hiệu quả hơn.
Về vấn đề hạt nhân Iran, các bên chia sẻ mục tiêu ủng hộ hòa bình khu vực và quan trọng là Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nội dung cụ thể chưa được thống nhất và nguy cơ đàm phán bế tắc vẫn luôn hiện hữu, song các cuộc thảo luận về mặt kỹ thuật đã bắt đầu với một số tiến bộ nhất định.
Nhà lãnh đạo nước chủ nhà bày tỏ tin tưởng nếu Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng ý gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump, chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, đồng thời hy vọng cuộc gặp này sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Đề xuất này cũng đã được chính ông chủ Nhà Trắng đánh giá là khả thi, giúp giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.
Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, đồng thời chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, Tuyên bố chung cho biết 7 nước thành viên đã cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, vì sự ổn định kinh tế toàn cầu. Các nước G7 muốn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng và loại trừ hoạt động thương mại không công bằng.
Song lập trường của Tổng thống Mỹ về thương mại gắn với chính sách “Nước Mỹ hàng đầu” không dễ bị lay chuyển chỉ trong 3 ngày họp. Ông chủ Nhà Trắng vẫn tiếp tục đưa ra những quan điểm cứng rắn ngay cả với các đồng minh trong G7, như dọa đánh thuế đối với xe hơi của Đức hay rượu vang của Pháp.
Tổng thống Pháp E.Macron cũng thông báo về một hội nghị thượng đỉnh của Ukraine, Nga, Đức và Pháp dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới theo công thức Bộ tứ Normandy nhằm thúc đẩy một nền hòa bình tại Ukraine, với sự ủng hộ của các nước G7. Ba vấn đề cụ thể là tù nhân, chiến tuyến và tình hình chính trị. Các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết sẽ chi khẩn cấp 20 triệu USD và điều máy bay để giúp dập tắt cháy rừng Amazon, cũng như thống nhất kế hoạch viện trợ tái trồng rừng ở cấp Liên hợp quốc.
Liên quan đến Nga, các nhà lãnh đạo G7 vẫn bất đồng về đề xuất mời Nga trở lại Nhóm G8, sau khi Mátxcơva bị đình chỉ tham gia nhóm này từ năm 2014 liên quan đến việc đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea. Đây là chủ đề nhạy cảm với các nước Liên minh châu Âu (EU), vốn luôn cho rằng sự trở lại của Nga phải gắn với tiến triển trong việc giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Dù không có sự góp mặt của những nền kinh tế lớn đang lên khác như Trung Quốc hay Ấn Độ, các cuộc họp của G7 vẫn luôn là sự kiện quan trọng với nhiều quyết sách có sức ảnh hưởng toàn cầu. Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định người đồng cấp E.Macron đã làm tốt nhiệm vụ chủ nhà tại Hội nghị G7 năm nay và đánh giá đây là một hội nghị thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.