(HNMO) - Theo đài NHK (Nhật Bản), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc sáng 19-5 (giờ địa phương) với sự kiện các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima.
Đây là lần đầu tiên tất cả các nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6-8-1945.
Theo lịch trình, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21-5, quy tụ lãnh đạo của các quốc gia phát triển nhất thế giới gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Fumio Kishida.
Tham dự còn có các lãnh đạo của các tổ chức lớn gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới.
Trong 3 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt vấn đề gồm thúc đẩy giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, xung đột Nga - Ukraine, an ninh kinh tế, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới và số hóa.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận cách thức để xúc tiến giải trừ vũ khí hạt nhân và ban hành một văn kiện cam kết thúc đẩy cơ chế hạt nhân được thiết lập theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về việc gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới nhằm khẳng định rằng G7 sẽ thúc đẩy các nỗ lực thực tế và thực chất để tiến tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Các vấn đề khu vực, trong đó có xung đột Nga - Ukraine, dự kiến cũng là chủ đề thảo luận trong ngày đầu tiên này.
Hội nghị G7 sẽ khẳng định tầm quan trọng cũng như tăng cường hợp tác để thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. An ninh kinh tế và khả năng hồi phục của nền kinh tế thế giới là chủ đề bao trùm của ngày họp thứ hai.
Các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về các vấn đề như tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn và lương thực, vấn đề y tế công, viện trợ phát triển, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu. Ngày cuối cùng của hội nghị được dự kiến bàn về việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.