Các hồng y sẽ sớm tập trung dưới trần Nhà nguyện Sistine của Michelangelo (Vatican) để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis vừa qua đời ngày 21-4.
Cái tên mật nghị (Conclave) xuất phát từ tiếng La-tinh "cum clave", có nghĩa là "với chìa khóa", mô tả quá trình khép kín của việc bầu một giáo hoàng.
Theo truyền thống của Vatican, vị giáo hoàng tiếp theo sẽ được chọn bởi Hồng y đoàn, những nhân vật cao cấp nhất của Giáo hội Công giáo do Giáo hoàng bổ nhiệm. Dự kiến, lần bầu cử sau khi Giáo hoàng Francis qua đời sẽ có 252 hồng y đến Rome để tham dự mật nghị.
Trong số này, có 135 hồng y có quyền bầu cử (không bao gồm những người trên 80 tuổi), gồm 53 hồng y từ châu Âu, 23 hồng y từ châu Á, 20 hồng y từ Bắc Mỹ, 18 hồng y từ châu Phi, 17 hồng y từ Nam Mỹ và 4 hồng y từ châu Đại dương. Quốc gia có nhiều hồng y với quyền bầu cử nhất trong năm nay là Italia (17 hồng y).
Hiện nay, khoảng hai phần ba số hồng y với quyền bầu cử là người được Giáo hoàng Francis chỉ định trong 10 năm qua, phản ánh tầm nhìn của ngài về một Giáo hội bao trùm hơn.
Sau khi tập hợp tại Rome, thường là từ 15 đến 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời, các hồng y sẽ tập trung trong Nhà nguyện Sistine.
Sau mệnh lệnh "extra omnes" (tất cả mọi người ra ngoài), nhà nguyện sẽ chỉ còn các hồng y với quyền bỏ phiếu, một số quan chức Vatican và bác sĩ ở lại. Các cánh cửa nhà nguyện Sistine sẽ bị khóa.
Các hồng y phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối, và không được phép tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong suốt quá trình bầu giáo hoàng mới. Nhà nguyện cũng được rà quét để đảm bảo không có thiết bị nghe lén trước và trong khi mật nghị diễn ra.
Các hồng y ngủ và ăn trong một ký túc xá, nhà của St Martha, gần Nhà nguyện Sistine, nơi Giáo hoàng Francis đã sống trong 12 năm qua.
Mật nghị bắt đầu bằng việc cử hành thánh lễ, rồi tới các cuộc thảo luận và bỏ phiếu. Ngoại trừ ngày đầu tiên với 1 lần bỏ phiếu, hoạt động bỏ phiếu được tiến hành 2 lần mỗi ngày vào cả buổi sáng và chiều hằng ngày, liên tục cho đến khi một ứng cử viên giành được hai phần ba số phiếu ủng hộ.
Theo quy định của Vatican, bất kỳ nam giới nào đã được rửa tội đều có thể được bầu làm giáo hoàng, mặc dù truyền thống thường là một hồng y. Các hồng y sẽ điền tên người được chọn, sau đó gấp phiếu bầu và thả vào một chiếc chén.
Sau 7 lần bỏ phiếu, các hồng y sẽ có một ngày nghỉ để cầu nguyện và suy ngẫm. Nếu không có kết quả sau 30 lá phiếu, một ứng cử viên sẽ được bầu theo cách đơn giản hơn - là người được nhiều phiếu nhất.
Mật nghị có thể kéo dài nhiều ngày. Mật nghị dài nhất trong lịch sử hiện đại là vào năm 1922, khi các hồng y mất 5 ngày để chọn ra nhà lãnh đạo mới. Mật nghị dài nhất từng kéo dài gần 3 năm (từ năm 1268 đến năm 1271).
Sau mỗi vòng bỏ phiếu, các lá phiếu sẽ bị đốt. Hóa chất được thêm vào để làm cho khói trở nên đen hoặc trắng. Khói đen bốc lên từ ống khói nhà nguyện là tín hiệu cho thấy các hồng y chưa đạt nhất trí, trong khi khói trắng thông báo với thế giới rằng một giáo hoàng mới đã được bầu ra.
Ứng cử viên được bầu sẽ được hỏi liệu có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử hay không, và nếu câu trả lời là có, bước tiếp theo là chọn tên Giáo hoàng mới.
Các hồng y cũng sẽ thực hiện nghi thức cam kết tuân thủ giáo hoàng mới - người sẽ được mặc lễ phục. Các thợ may của Vatican từ trước đó sẽ chuẩn bị 3 bộ lễ phục với các kích cỡ khác nhau.
Hồng y trưởng đẳng Phó tế sẽ bước lên ban công chính của Nhà thờ Thánh Peter, công bố trước hàng ngàn tín đồ Công giáo và khách du lịch: "Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus papam" (Tôi thông báo với bạn với niềm vui lớn lao: Chúng ta đã có một giáo hoàng).
Giáo hoàng mới sẽ tiến ra và ban phép lành cho Rome cũng như toàn thế giới, kết thúc quá trình bầu cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.