(HNM) - Kéo dài hai ngày (17 và 18-6) tại khu nghỉ mát Lough Erne ở Bắc Ireland, Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chìm đắm trong tình trạng suy thoái kéo dài.
Đặc biệt, Châu Âu, nơi chiếm một nửa số thành viên G8, vẫn đang chật vật đối phó với khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, các nội dung bàn thảo về kinh tế được xây dựng kỹ lưỡng trong chương trình nghị sự đã bị lu mờ vì những diễn biến mới tại Syria và bê bối nghe lén có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa các thành viên G8.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G8. |
Ngay trước thềm hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo kinh tế thế giới có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn dự báo 3,3% và triển vọng phục hồi vẫn rất mong manh. Do vậy, Anh đã xác định ba nội dung chủ yếu của hội nghị gồm đẩy mạnh hoạt động thương mại, tuân thủ các quy định về thuế và bảo đảm tính minh bạch, công khai. London coi đây là những thách thức chung, đòi hỏi các nhà lãnh đạo G8 phải tìm được sự đồng thuận để góp phần khôi phục tăng trưởng mạnh và bền vững cho kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đúng với dự đoán sau khi Mỹ tuyên bố quyết định hỗ trợ quân sự trực tiếp cho phe đối lập ở Syria, một "chiến tuyến" đã được dựng lên tại Lough Erne với một bên là các nước phương Tây nóng lòng tìm cách hợp pháp hóa kế hoạch lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và bên kia là Nga với nỗ lực bảo vệ đến cùng đồng minh Trung Đông của mình. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hiện nay không hẳn là hai bên có thay đổi lập trường trong cuộc gặp ngắn ngủi, mà là chuyện cả hai sẽ làm thế nào để thúc đẩy chiến lược của mình tại quốc gia gần 19 triệu dân. Thực tế, sự cách biệt giữa Nga và phương Tây là vấn đề mang tính cố hữu khi Syria có vai trò cực kỳ quan trọng trên bàn cờ lợi ích của các nước lớn tại Trung Đông. Với Washington và nhiều nước đồng minh, Syria vẫn luôn là gai nhọn trong cái gọi là "trục ma quỷ", cản trở các kế hoạch mở rộng quyền lực của phương Tây tại khu vực địa chính trị quan trọng của thế giới. Còn với Nga, duy trì chế độ Tổng thống Al-Assad đồng nghĩa với việc bảo vệ chỗ đứng của Nga tại Trung Đông khi chỉ còn Syria là đồng minh chủ chốt của Mátxcơva tại khu vực này. Vì vậy, một khi Mỹ và phương Tây chính thức cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy, không gì có thể bảo đảm Nga sẽ không xúc tiến kế hoạch chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 tối tân cho Damascus để ngăn cản ý định thiết lập vùng cấm bay tại Syria của phương Tây như đã từng làm đối với Libya.
Có thể thấy rõ hố sâu khó có thể khỏa lấp về quan điểm đối với cách thức xử lý tình hình Syria trong cả chương trình nghị sự chính và các cuộc gặp mặt song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo G8 bên lề hội nghị ở Bắc Ireland. Có lẽ chưa bao giờ phương Tây đồng loạt đẩy mạnh các chiến dịch để chấm dứt sự tồn tại của chế độ Tổng thống Al-Assad đến vậy. Thế đối đầu đang ngày càng sâu sắc giữa phương Tây và Nga khiến dư luận hoài nghi về triển vọng đáng kể cho việc giải quyết cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông trong Hội nghị quốc tế về Syria do Nga và Mỹ chủ trì, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại Geneva (Thụy Sĩ).
Không chỉ dừng lại ở những bất đồng về Syria, Hội nghị Thượng đỉnh G8 lần thứ 39 đã biến thành diễn đàn chỉ trích nhằm vào Washington và London khi ngay trước thềm sự kiện quan trọng này, Edward Snowden, cựu nhân viên CIA và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ tình báo Anh và Mỹ đã theo dõi các đại biểu nước ngoài tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở London năm 2009. Ngay lập tức Nga đã có phản ứng gay gắt và yêu cầu một lời giải thích từ phía Anh và Mỹ. Còn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ đề cập vấn đề này với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông tới thủ đô Berlin (Đức) sau khi rời khỏi Bắc Ireland.
Cũng như thường lệ, Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm nay diễn ra ở khu nghỉ mát yên tĩnh, cách xa sự ồn ào của đô thị. Tuy nhiên, sự tươi mát của Lough Erne không đủ để làm dịu đi sức nóng từ các cuộc gặp cấp cao cùng với danh sách dài những bất đồng chưa thể rút ngắn. Một bản tuyên bố cuối cùng cũng được đưa ra với những đánh giá khả quan. Song rõ ràng, người ta vẫn chưa tìm thấy bước đột phá mong đợi tại Lough Erne lần này
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.