Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi kết vẫn là câu chuyện dài

Thùy Dương| 24/04/2015 06:33

(HNM) - Hạn chót để Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga và Đức) đạt được thỏa thuận cuối cùng là ngày 30-6, nhưng giữa các bên đang tồn tại nhiều khác biệt chưa được giải quyết để có thể khép lại 12 năm căng thẳng.


Trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc vừa diễn ra hôm thứ tư tại thủ đô Vienna (Áo), những vấn đề nhạy cảm vẫn là trở ngại đeo bám ngay trước cuộc đàm phán. Đây là cuộc đàm phán mới nhất sau thỏa thuận khung tại Lausanne (Thụy Sĩ) cách đây 3 tuần.

Vẫn còn nhiều bất đồng trong việc Iran cam kết từ bỏ tham vọng hạt nhân quân sự đổi lại được dỡ bỏ trừng phạt.



Trở ngại lớn nhất có lẽ vẫn là sự nghi kỵ giữa các bên và ngay ở nội bộ mỗi quốc gia. Ngày 9-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran chỉ chấp nhận thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Nhóm P5+1 khi tất cả các cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đưa ra cảnh báo: "Iran sẽ đối mặt với nhiều cuộc thanh sát hơn bất kỳ nước nào nếu có ý lừa dối". Rõ ràng, vấn đề gai góc nhất hiện nay là bất đồng xung quanh tiến độ dỡ bỏ trừng phạt và cơ chế cho phép tái lập trừng phạt trong trường hợp Iran không tôn trọng các cam kết. Ngay tại nước Mỹ, việc thông qua hiệp định hạt nhân chắc chắn sẽ không dễ dàng do sự phản đối từ phía các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đòi Quốc hội phải xem xét kỹ thỏa thuận trước khi tính đến việc dỡ bỏ cấm vận Iran. Về phía mình, Tổng thống H.Rouhani cũng không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ, trước hết là sự phản ứng của phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn. Trong một diễn biến mới nhất, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt với một ngân hàng và 32 công ty vận tải biển của Iran. Động thái này được giới quan sát đánh giá là nhằm gia tăng sức ép lên Iran trong "giới hạn" đàm phán hạt nhân.

Trong khi đó, phản đối của một số quốc gia Trung Đông, nhất là Israel, cũng là trở ngại không nhỏ. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Đông đang lâm vào hỗn loạn thì một thỏa thuận hạt nhân sẽ không chỉ giải quyết mối quan hệ giữa Iran với cộng đồng quốc tế. Bất cứ thỏa thuận nào cũng dễ bị gắn với lợi ích phe phái trong các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại Syria, Libya, Yemen… Ngày 20-4, người đứng đầu nước Mỹ đã gửi thông điệp cảnh báo Tehran không được đưa vũ khí tới Yemen, bởi điều này có thể phương hại tới giao thương hàng hải trong khu vực. Thực tế, đã từ lâu, mặc dù phải đương đầu với các lệnh trừng phạt và sự cô lập về ngoại giao, kinh tế song ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông không ngừng gia tăng. Có thể thấy điều này qua ảnh hưởng của Tehran với những can dự sâu sắc vào các vấn đề khu vực. Bên cạnh duy trì mối quan hệ lâu dài với chế độ hiện hành của Syria và lực lượng Hezbollah ở Liban, Iran còn dẫn đầu cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq đồng thời hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi ở Yemen. Đối thủ chính của Iran là Arab Saudi hiện tại đã thành lập liên minh quân sự Arab gồm 10 nước để kiềm chế phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Rõ ràng, trong khi các nhà đàm phán hy vọng một thỏa thuận sẽ đưa Iran trở lại bàn ngoại giao thì vẫn còn không ít hoài nghi về một thỏa thuận có thể để giúp dập tắt "chảo lửa" ở Trung Đông.

Việc Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran hồi đầu tháng 4 là một bước tiến "lịch sử" không chỉ với nhóm các cường quốc tham gia đàm phán mà còn giải tỏa tâm lý cho cả cộng đồng quốc tế về tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Không những vậy, thỏa thuận khung mà các bên đạt được còn được xem như một hòa giải trong quan hệ Mỹ-Iran, vốn đã nguội lạnh 35 năm qua, khi Washington cắt đứt bang giao với Tehran sau sự kiện Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị tấn công. Và nếu cấm vận quốc tế bị hủy bỏ, Iran, với 78 triệu dân, sẽ trở thành "thiên đường" đối với các nhà đầu tư.

Thế nhưng, trong lúc cuộc đàm phán đang đi đến hồi kết thì hồ sơ hạt nhân Iran vẫn là một câu chuyện dài với những ngả rẽ nhiều gay cấn có thể để các bên đi đến một hiệp định toàn diện cuối cùng, dự kiến sẽ ký vào ngày 30-6 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi kết vẫn là câu chuyện dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.