(HNM) - Mỗi cổ vật đều mang trong mình những dấu tích thời gian và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa to lớn, đồng thời gợi nhớ đến thời kỳ lịch sử của dân tộc: Nguyên thủy, Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
Ở Việt Nam, nhiều nhóm sưu tập cổ vật hoạt động khá sôi nổi. Thế giới của những người sưu tầm đồ cổ cũng thật khác lạ: Tinh tế, bài bản, tình cảm, đam mê... Họ cùng nhau thành lập câu lạc bộ với quan niệm "duyên" và "cơ" đưa họ đến với nhau để được giao lưu, bổ sung thêm kiến thức hay chỉ đơn giản là cùng thưởng lãm cổ vật mới sưu tầm, đánh giá giá trị một cổ vật hoặc tặng nhau những món đồ làm kỷ niệm.
Một số cổ vật của những thành viên CLB cổ ngoạn Gia Long. |
Cách chơi cổ vật cũng rất phong phú và đa dạng bởi mỗi người lại có một phong cách riêng. Tùy theo người chơi, do vốn sưu tầm hay sở thích, có người về đồ đồng, người lại thiên về đồ gỗ, đồ gốm sứ, sập gụ, tủ chè, đồ sơn thếp... Song tất cả đều rất tự hào với những món đồ mà mình đang sở hữu, họ nâng niu, trân trọng và tâm niệm gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Câu lạc bộ cổ ngoạn Gia Long, với hơn 30 thành viên ra đời được hơn một năm, cũng như các câu lạc bộ chơi cổ ngoạn khác, vốn cùng yêu thích nét đẹp cổ vật của cha ông để lại. Những thành viên CLB đã trao đổi, học tập, cùng thưởng ngoạn vẻ đẹp của những cổ vật và cùng chung ý tưởng gìn giữ vẻ đẹp đó cho những thế hệ mai sau. Nhiều thành viên trong CLB hiện đang sở hữu những cổ vật đồ đá, đồ đồng, đồ gốm sứ có niên đại tới 3.000, 4.000 năm tuổi và nhiều cổ vật có giá trị như đồ ngọc, gồ, giấy rất quý... Đây không chỉ là những đồ quý về vẻ đẹp thẩm mỹ, mà còn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để các nhà nghiên cứu có cơ sở xác định giá trị một cách khoa học nhất, góp phần cùng nhiều CLB cổ vật trên toàn quốc gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống đậm bản sắc của dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.