(HNM) - Xung quanh vụ lừa đảo hơn 2.000 tỷ đồng ở thị trường chứng khoán OTC (thị trường chưa niêm yết) đang gây xôn xao dư luận, chiều 8-10, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46B - Bộ Công an phía Nam) xác nhận, cơ quan này đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
* Tạm giam 3 tháng đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản
* Tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò của những cá nhân liên quan
(HNM) - Xung quanh vụ lừa đảo hơn 2.000 tỷ đồng ở thị trường chứng khoán OTC (thị trường chưa niêm yết) đang gây xôn xao dư luận, chiều 8-10, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46B - Bộ Công an phía Nam) xác nhận, cơ quan này đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vụ lừa đảo nêu trên cho thấy hoạt động của các công ty chứng khoán hiện vẫn còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý. Ảnh: Khánh Nguyên |
Theo kết quả điều tra ban đầu, bà Như - nguyên là thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (ORS), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP Hồ Chí Minh - đã cấu kết với một số đối tượng nhằm môi giới, huy động vốn trên thị trường chứng khoán OTC với mức lãi suất lên đến 5-7,5% /tháng, nhằm thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản và chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, nhân vật này còn làm hợp đồng vay vốn ngân hàng và giả chữ ký, đóng dấu với tài sản thế chấp là bất động sản lên đến hàng chục tỷ đồng nhằm tạo lòng tin. Nhiều nhà đầu tư trong Nam, ngoài Bắc cũng bị "sập bẫy" góp vốn hưởng lãi suất cao. Sau một thời gian trả lãi đều đặn, khi bà Như không còn khả năng thanh toán thì số tiền lừa đảo đã lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Không chỉ giới đầu tư cá nhân, mà một số công ty chứng khoán, ngân hàng được cho là cũng liên quan tới vụ việc, thông qua việc cấp hạn mức tín dụng lớn hàng trăm tỷ đồng cho nhân vật này. Đã xuất hiện những tin đồn trên sàn chứng khoán cho rằng, ORS, Công ty CP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, Vietinbank... có thể cũng liên quan đến vụ vỡ nợ.
Sau khi bà Như bị bắt (ngày 7-10), Công ty ORS đã gửi thông báo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) khẳng định, bà Huyền Như không mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại ORS, cũng không hề có bất kỳ giao dịch cá nhân vay - mượn nào trong suốt thời gian qua. Văn bản do Chủ tịch HĐQT Trần Thị Hải Yến ký cho biết, công ty đang xem xét lại tư cách thành viên HĐQT của bà Như và sẽ có thông tin khi có kết luận từ các cơ quan hữu quan.
Cùng ngày 7-10, Tổng Giám đốc Công ty Kim Eng (KEVS) Lê Minh Tâm đã ký văn bản gửi đến UB Chứng khoán Nhà nước khẳng định "bà Huyền Như chưa bao giờ mở tài khoản tại KEVS". Ông Tâm cũng cho biết, sáng 7-10 đại diện C46 đã yêu cầu KEVS cung cấp thông tin tài khoản của 6 khách hàng cá nhân, tuy nhiên trong số đó bà Huyền Như và bà T.T.H.G. không phải là khách hàng của KEVS. Bốn khách hàng còn lại, KEVS đã phong tỏa tài khoản chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Thị trường chứng khoán hiện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho các nhà đầu tư. Ảnh: Trung Kiên |
Liên quan đến việc này, Vietinbank đã có công văn gửi các cơ quan chức năng, khẳng định không chịu bất kỳ tổn thất gì về tài chính liên quan đến vụ vỡ nợ trên thị trường OTC. Theo Vietinbank, những ngày qua đã có những tin đồn thất thiệt có chủ ý về những thất thoát tài chính lớn của Vietinbank, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh và giá trị cổ phiếu CTG của Vietinbank cũng như ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán và tính ổn định của ngành tài chính, tiền tệ Việt Nam. Vì vậy, Vietinbank đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị đưa tin thất thiệt. Tuy nhiên, Vietinbank cũng thừa nhận, có hiện tượng một số ngân hàng thương mại cổ phần thông qua các công ty "sân sau" móc nối với một số người xấu trong và ngoài ngân hàng, trong đó có việc lôi kéo hai cán bộ của Vietinbank thực hiện các hành vi bất hợp pháp như làm giả hồ sơ, hợp đồng, chữ ký, con dấu… để chuyển tiền qua hệ thống một số ngân hàng lấy tiền ngân hàng sử dụng vào mục đích khác. Vietinbank khẳng định, các thiệt hại nếu có thuộc về các ngân hàng thương mại cổ phần và các công ty "sân sau", đồng thời đơn vị này đã sa thải, hủy hợp đồng lao động đối với hai cán bộ nói trên.
Theo lãnh đạo Cục C46B cho biết, hiện cơ quan này đang tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò của những cá nhân liên quan, trong đó có nhiều nhân viên công ty chứng khoán, nhân viên ngân hàng, đặc biệt là một nhân vật mệnh danh là Phương "đen". Được biết, sau khi dư luận thông tin về việc bắt giữ bà Như, nhiều nạn nhân cũng đã đến cơ quan công an tố giác hành vi lừa đảo của Phương "đen" và hiện nhiều chủ nợ cũng đang truy tìm người phụ nữ được giới kinh doanh chứng khoán xác nhận là một "cò" tầm cỡ trên thị trường OTC.
Theo các chuyên gia tài chính, vụ lừa đảo nói trên cho thấy hoạt động của các công ty chứng khoán vẫn còn kẽ hở về quản lý, phòng ngừa rủi ro. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các công ty chứng khoán cho vay đòn bẩy tràn lan, đặc biệt với cổ phiếu OTC thì việc cấp sử dụng đòn bẩy tài chính có nhiều khả năng rủi ro cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.