Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021: Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ trong nước

Thanh Hiền| 24/12/2021 15:46

Nhằm hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trưng bày giới thiệu và quảng bá sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng thủ công mỹ nghệ, qua đó, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Thủ đô, Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021 (Hanoi Great Souvernirs 2021) do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức, đã diễn ra từ ngày 17 đến 19-12, tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia, số 1 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm.

Năm 2021 là một năm nhiều biến động về kinh tế - xã hội do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là lĩnh vực hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ. Với những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của UBND thành phố, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân nhóm ngành hàng lưu niệm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường, đưa các sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ gắn với các hoạt động du lịch mua sắm, giải trí trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những nỗ lực của thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ kép: Hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trưng bày giới thiệu và quảng bá sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng thủ công mỹ nghệ, qua đó, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Thủ đô.

Với quy mô 200 gian hàng của gần 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thành phố Hà Nội, các sản phẩm được trưng bày tại Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021 (Hanoi Great Souvernirs 2021) là những mặt hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, sơn mài, khảm trai, lụa, thêu ren, mây tre đan, xương sừng mỹ nghệ...) đáp ứng tiêu chí bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách tham quan, giao dịch.

Mang những sản phẩm nét nhất, đẹp nhất, phong phú nhất đến với hội chợ, bà Tạ Thu Hương, nghệ nhân làng nghề nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) chia sẻ, hiện nón không chỉ làm theo kiểu truyền thống, mà đã được phối lại phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại như: Phối với lụa Hà Đông, nón to, nón nhỏ, nón lá già ghép sống, hàng mây tre đan đẹp phù hợp với thị hiếu thị trường. Những sản phẩm này hiện đã xuất khẩu đi Mỹ, Canada, Australia. Dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn, chính vì vậy, cùng với việc bán hàng truyền thống và online, việc xúc tiến quảng bá sản phẩm là hết sức quan trọng. Đặc biệt, đưa sản phẩm tham gia hội chợ này sẽ là cơ hội tốt cho các nghệ nhân, làng nghề và địa phương tiếp cận khách hàng trong nước.

Sản phẩm tỏi đen Kochi của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghiệp Nhật Bản cũng có mặt tại hội chợ. Nhiều chương trình khuyến mại được phía doanh nghiệp đưa ra như: Mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1. Bà Vũ Thị Nga, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghiệp Nhật Bản cho biết, ngoài xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, công ty cũng đẩy mạnh bán hàng tại thị trường trong nước. Tín hiệu đầu ra tại thị trường trong nước rất khả quan, doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại Sa Pa, Điện Biên. Tham dự hội chợ, doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng cho 130 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội, các nghệ nhân của Hà Nội được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Hà Nội... Đồng thời, trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới; tổ chức đón tiếp, hỗ trợ các nhà nhập khẩu, khách quốc tế, khách thương mại trong nước đến tham quan, giao dịch tại hội chợ; tổ chức giao dịch, kết nối kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng giao thương hợp tác theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt, tổ chức cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, khách quốc tế để tham quan, tìm hiểu một số doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Để Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô đạt kết quả, đáp ứng mục đích, yêu cầu của thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29-10-2021 của UBND thành phố về thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, đúng quy định pháp luật.

Với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ và sự hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện tối đa từ Ban tổ chức, Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2021 là “đòn bẩy” hữu hiệu hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ của Thủ đô vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đưa sản phẩm hàng hóa chất lượng cao ra thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021: Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.