(HNM) - Ở nơi đầu sóng, những nụ cười tự tin, lời chào hỏi thân tình của những người đang làm nhiệm vụ trên các đảo khiến chúng tôi thêm ấm lòng và vững tin vào các anh - những người làm nên điểm tựa của Tổ quốc giữa ngàn trùng khơi.
Đá Lớn C, hòn đảo chìm đầu tiên đoàn cập bến. Vì sóng lớn nên con tàu HQ 936 thả neo cách đảo khoảng 2 hải lý. Thực hiện chỉ lệnh của trưởng đoàn công tác, 2 chiếc xuồng được hạ thủy để vận chuyển hàng hóa lên đảo. Các công đoạn được những chiến sĩ hải quân khẩn trương hoàn thành trong khoảng thời gian rất ngắn. Là chuyến đi đầu tiên vào đảo, mọi người có mặt trên tàu HQ 936 đều ra boong chăm chú dõi theo hành trình của 2 chiếc xuồng nhỏ tròng trành giữa bốn bề biển cả.
Trên 2 chiếc xuồng, hàng Tết được đóng gói cẩn thận, gồm gạo nếp, lá dong, bánh kẹo, nước ngọt, lợn, gà và nhiều nhu yếu phẩm khác. Trong đó, hình ảnh để lại nhiều ấn tượng nhất phải kể đến một cây quất được các chiến sĩ nâng niu, bọc giấy kín để tránh gió biển làm hư hại. Một người trong đoàn công tác nói rằng: "Quà Tết ra được đến đây thứ gì cũng vô giá nhưng cành đào, cây quất, cây mai vẫn là những mặt hàng đặc biệt không thể thiếu". Đúng vậy, ra đảo xa mới cảm nhận được hết ý nghĩa của những món quà tinh thần đầy ý nghĩa này, để người lính đảo có thêm hơi ấm gia đình, quê hương khi thực thi nhiệm vụ.
Chiến sĩ hải quân chuyển quà Tết vào đảo Đá Lớn C. |
Ra đón đoàn, Thượng úy Đinh Văn Thắng, Điểm trưởng đảo Đá Lớn C cùng cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo vui mừng khôn xiết. Những cái bắt tay thật chặt, những lời hỏi thăm chân thành của những người đồng đội lâu ngày gặp mặt, của những người lần đầu ra đảo để đến với các chiến sĩ hải quân diễn ra thật xúc động. Tất cả hòa lẫn vào tiếng máy, tiếng sóng, tiếng gió trên biển nghe âm vang, ấm áp.
Mỗi người một tay, lượng hàng hóa, quà Tết trên hai chiếc xuồng nhanh chóng được các chiến sĩ chuyển lên đảo, lợn và gà được đưa về chuồng nuôi nhốt. Thượng úy Đinh Văn Thắng cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, anh em chiến sĩ trên đảo Đá Lớn C lại được đón những tình cảm nồng ấm từ người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Đây vừa là niềm vui vừa là động lực để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó". Chiến sĩ Nguyễn Duy Sang, quê ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) rất nhanh nhẹn và tháo vát. Sau khi xong nhiệm vụ chuyển hàng Tết về nơi quy định, lấy tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, Sang cười tươi và chia sẻ những lời chững chạc: "Sóng gió biển khơi đã rèn luyện cho chúng em sức khỏe và bản lĩnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để anh em trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Về phần chúng tôi, lần đầu được ra thăm Trường Sa nên dù vừa trải qua một hải trình dài với sóng và gió biển nhưng khi được đặt chân lên đảo ai nấy đều rạng rỡ, háo hức, mệt mỏi tan nhanh. Một bầu không khí trong lành với biển xanh, nắng vàng mang lại một cảm xúc vừa lạ lẫm, vừa thân quen. Lạ lẫm với lần đầu tiên được đặt chân lên đảo - mảnh đất quê hương nơi đầu sóng ngọn gió, thân quen khi được gặp những người lính đảo thân thiện, dạn dày nắng gió. Trò chuyện với các chiến sĩ trẻ chúng tôi cảm nhận rõ những niềm vui và sự xúc động dâng trào khi đón nhận quà Tết từ đất liền. Chiến sĩ Đỗ Văn Tư bộc bạch: "Đón nhận tình cảm từ các cô, các chú, các bác trong đất liền chúng cháu như được gặp người thân, trở về với gia đình thân yêu". Đỗ Văn Tư là người rất thích sưu tầm vỏ ốc biển, vì thế mỗi lần thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất (đánh bắt hải sản), chàng trai quê ở xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) lại tỉ mỉ chọn lựa, phơi khô, đánh bóng những vỏ ốc có hình thù đẹp và lạ. Vẫn đang dở câu chuyện, không chần chừ, Tư lấy từ trong ba lô kỷ niệm chúng tôi mỗi người hai vỏ ốc nón rất đẹp mắt.
Hành trình tàu HQ 936 chia tay Đá Lớn để tiếp tục đến cụm đảo Cô Lin và Len Đao: 9 ngày ròng trên biển, những bó lá dong, ống giang, những cây quất đã "ngấm" gió biển nên không còn xanh, đã thấy ngả màu. Vì thế, những món quà Tết đặc biệt này lại được chiến sĩ hải quân trên tàu bảo quản cẩn thận hơn để mong chuyển tới tận tay những người lính trên đảo.
Tàu HQ 936 thả neo trong vùng biển lặng sóng nên xuồng chở hàng Tết hành quân vào đảo Cô Lin và Len Đao diễn ra thuận lợi. Thượng tá Đào Giang Hải, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác chia sẻ với chúng tôi: "Chở hàng Tết ra quần đảo Trường Sa là việc làm thường niên của bộ đội hải quân mỗi khi Tết đến xuân về. Mọi công việc được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ ngay từ trong đất liền trên tinh thần bảo đảm an toàn, bảo đảm chất lượng hàng hóa để cán bộ, chiến sĩ được đón một cái Tết đầy đủ, ấm cúng". Vì vậy, dù sóng yên hay sóng dữ, mỗi động tác, mỗi di chuyển đều được các chiến sĩ thực hiện đúng quy trình, quy định của quân đội và ngành Hàng hải. Thượng úy Trần Như Hùng, Chính trị viên đảo Len Đao hào hứng: "Quà Tết đến với đảo là báo hiệu một mùa xuân mới đã đến với người lính hải quân!". Len Đao là đảo chìm, vì thế việc sắp xếp hàng hóa, quà Tết được cán bộ, chiến sĩ thực hiện gọn gàng, ngăn nắp. Việc bảo quản thực phẩm cũng được chú trọng, phân chia theo từng ngăn, phù hợp theo từng loại thực phẩm khô, thực phẩm tươi để tránh tối đa việc hư hỏng.
Được nhận những tình cảm sâu nặng nghĩa tình từ đất liền, cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa luôn trân trọng và thấu hiểu được nỗi vất vả và nỗ lực rất lớn trong hành trình gian lao của các thành viên thủy thủ đoàn, thành viên đoàn công tác từ đất liền ra đảo. Thượng úy Trần Như Hùng trải lòng: "Chúng tôi cảm ơn đoàn công tác, cảm ơn những người đồng đội đã không quản sóng dữ, đêm ngày vượt trùng khơi để "mang mùa xuân" đến với chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa".
Tạm biệt những chiến sĩ ở đảo Cô Lin và Len Đao, con tàu HQ 936 tiếp tục hải trình đến đảo Sinh Tồn Đông. Tàu thả neo vào một buổi sáng trong veo, trời đầy nắng. Từ xa, đảo nổi Sinh Tồn Đông là một dải dài xanh mát giữa muôn trùng khơi. Sau khi 5 chuyến xuồng chở hàng từ tàu cập đảo an toàn, đặt chân lên cầu tàu ai cũng trầm trồ và bỡ ngỡ như đang có mặt ở một làng quê yên bình nơi đất liền. Con đường bê tông phẳng lỳ, hai bên là những loài cây quen thuộc ở quần đảo Trường Sa như bàng vuông, phi lao, phong ba, bão táp, mù u... mọc um tùm, tạo nên một màu xanh mát mắt. Thậm chí, với những loại cây ít phổ biến hơn ở khu vực Trường Sa như hoa giấy, hoa sứ cũng được cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông trồng, chăm sóc và trổ hoa rực rỡ.
Với phương châm đưa Sinh Tồn Đông thành hòn đảo xanh nên trong chuyến hàng lần này ngoài các mặt hàng Tết, tàu HQ 936 đã vận chuyển thêm một số cây xanh, trong đó chủ yếu là cây tra để ra trồng ở đảo. Trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông tâm sự: "Những chuyến hàng Tết rất có ý nghĩa với chiến sĩ Trường Sa. Đặc biệt hơn chúng tôi còn nhận được các giống cây trồng từ đất liền để phủ xanh hòn đảo".
Cũng trong chia sẻ của mình, Trung tá Lê Ngọc Dũng cho biết, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã sôi nổi thực hiện phong trào thi đua "Đoàn kết, sáng tạo lập công dâng Đảng" với nhiều nội dung phong phú như tập trung quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm trên đảo là giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương; nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc mọi tình huống trên không, trên biển... Đặc biệt, nội dung tạo dựng một môi trường văn hóa thân thiện, trong lành trên đảo được quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ, đảng viên và chiến sĩ trong đơn vị.
"Đảo là nhà, biển cả là quê hương", một khẩu hiệu nằm lòng với bao người dân đất Việt nhưng khi trực tiếp có mặt ở nơi đảo xa, câu nói quen thuộc ấy lại đem đến một cảm xúc thật đặc biệt. Ý thức, nhận thức về lòng yêu quê hương đất nước trong mỗi người lại trào dâng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cả nước luôn hướng về Trường Sa, và với riêng người chiến sĩ hải quân thân yêu, dù phải ăn Tết xa nhà, xa người thân nhưng các anh luôn vững niềm tin thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.