Việc cùng một lúc trải nghiệm nhiều kỹ năng mới như học các ngoại ngữ mới, sử dụng iPad, viết nhạc hoặc vẽ tranh... có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và ngăn nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ.
Học hỏi những điều mới mẻ có thể giúp đảo ngược quá trình thoái hóa não của người cao tuổi lên đến 30 năm chỉ trong vòng 6 tuần, là kết luận của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California Riverside (UCR) của Mỹ đưa ra ngày 19-7.
Trong công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã yêu cầu các tình nguyện viên tuổi từ 58-86 tham gia đồng thời 3-5 khóa học trong vòng ba tháng, với thời gian khoảng 15 giờ/tuần và khối lượng học tập tương đương một sinh viên chưa tốt nghiệp.
Kết quả cho thấy, chỉ sau 6 tuần, não bộ của những người già tham gia các khóa học đã tăng khả năng nhận thức lên mức tương đương não bộ của một người trung niên, tức là những người trẻ hơn họ 30 tuổi. Trong khi đó, những người không tham gia các khóa học lại không cho thấy sự thay đổi trong khả năng nhận thức của não bộ.
Theo các nhà khoa học, việc cùng một lúc trải nghiệm nhiều kỹ năng mới như học các ngoại ngữ mới, sử dụng iPad, viết nhạc hoặc vẽ tranh... có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và ngăn chặn nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer.
Chuyên gia tâm lý học thuộc UCR Rachel Wu chia sẻ, điều quan trọng để ngăn chặn tình trạng suy giảm trí nhớ là trải nghiệm những kỹ năng mới như cách mà một đứa trẻ học hỏi những điều mới lạ.
Các kết quả nghiên cứu công bố trước đây cũng đã chứng minh lợi ích của việc học kỹ năng mới trong việc làm chậm quá trình lão hóa của não bộ người già. Tuy nhiên, những kỹ năng mới trong các nghiên cứu này được học tuần tự từng thứ một.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc chứng suy giảm trí tuệ, trong đó Alzheimer là dạng bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 60-70% số trường hợp mắc bệnh. Hiện chưa có phương pháp điều trị hoặc ngăn chặn quá trình phát triển của bệnh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.