Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động của HĐND các cấp: Cần đổi mới thực sự

Hiền Lương| 20/03/2011 06:47

(HNM) - Đổi mới hoạt động HĐND các cấp là yêu cầu thường xuyên, liên tục. Một phần vì hoạt động HĐND các cấp trên nhiều lĩnh vực cần phải đổi mới, phần khác là vì đòi hỏi của dân và nhu cầu đổi mới chưa khi nào ngừng trong các vị đại biểu của dân nhằm khẳng định vai trò cơ quan dân cử.


Sức mạnh phản biện

Cùng với cả nước, HĐND các cấp TP Hà Nội đang tiến hành tổng kết nhiệm kỳ 2004-2011. Ngày 22-3 tới đây, HĐND TP sẽ tổ chức kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ đánh giá kết quả công tác 6 năm qua. Tổng kết hoạt động HĐND có ý nghĩa quan trọng, không chỉ khẳng định những việc làm được, mà còn chỉ rõ những việc chưa làm được để rút ra những bài học cho nhiệm kỳ sau.


Đại diện cử tri quận Hoàn Kiếm phát biểu ý kiến tại một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bá Hoạt


Sức mạnh của HĐND nằm ở những hoạt động mang tính phản biện rất cao như giám sát, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Tổng kết nhiệm kỳ qua, HĐND nhiều địa phương đều khẳng định kết quả đạt được nổi bật là về công tác giám sát và tiếp xúc cử tri. Như HĐND quận Ba Đình hay huyện Thanh Trì đều đã thực hiện trên 60 cuộc giám sát trong nhiệm kỳ. Qua giám sát, HĐND các địa phương đã phát hiện những hạn chế, yếu kém về quản lý, thậm chí những sai phạm của các cấp chính quyền. Đây là cơ sở để chính quyền cùng cấp tiếp thu và khắc phục những sai sót, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn, thư của HĐND cấp quận vẫn còn hạn chế. Đây là lý do khiến cử tri vẫn mang những bức xúc và kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp phường, cấp quận đến giãi bày với đại biểu HĐND TP hoặc đại biểu Quốc hội. Mặc cho những người tổ chức đề nghị "để dành" những kiến nghị đó phản ánh đúng cấp hơn, cử tri vẫn nhất định phải nói ra, có lẽ vì chất lượng giải quyết kiến nghị ở cấp dưới chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ở những lĩnh vực chủ chốt, có tính sức mạnh như vậy mà HĐND vẫn còn những điều chưa hài lòng, chứng tỏ yêu cầu đổi mới là rất lớn. Cử tri vẫn mong muốn ở HĐND một sự độc lập mạnh mẽ hơn so với cơ quan hành pháp đồng cấp. Hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp quận, huyện, xã, phường cần gắn bó mật thiết hơn nữa với truyền thông. Vì lâu nay, hàng chục cuộc giám sát của HĐND cấp quận, huyện được triển khai, nhưng rất ít cử tri biết đến. Ông Ngô Duy Hải (cử tri phường Phúc Xá, quận Ba Đình) nhận định: "Không phải vô cớ việc bãi bỏ HĐND quận, huyện, xã, phường được đặt ra. Nếu các cơ quan này hoạt động hiệu quả thực sự, sẽ không ai dám đề cập đến việc quan trọng như thế". Việc TƯ quyết định tiếp tục thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường có thể coi là một cơ hội để HĐND quận, huyện, xã, phường đổi mới hoạt động, đem lại sức sống mới cho cơ quan dân cử ở địa phương.

Đổi mới bắt đầu từ đâu? Câu trả lời không gì tốt hơn là bắt đầu từ những công tác gắn bó mật thiết với quyền lợi của dân. Đó là công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Đây cũng chính là mảng công việc thể hiện sức mạnh phản biện tốt nhất của cơ quan dân cử, cũng là cách để khẳng định vai trò, vị trí và ý nghĩa của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương.

Nhiệm kỳ mới có mới?

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, nhiệm kỳ mới của HĐND các cấp sẽ bắt đầu. Câu chuyện đổi mới hoạt động phải đặt ra từ bây giờ và trong tâm trí của những người ứng cử đại biểu HĐND đã phải có sẵn chương trình hành động của mình nếu đắc cử.

Đổi mới hoạt động giám sát của HĐND là cần phải khẳng định được ý nghĩa của hoạt động này để việc, hoặc lĩnh vực giám sát trở nên tốt hơn. Vì vậy, những vi phạm do HĐND phát hiện cần được lên án, những yếu kém cần được chỉ rõ, những xu hướng xấu phải được ngăn chặn. HĐND có quyền theo dõi, đôn đốc và nhận xét về kết quả thực hiện kết luận giám sát của mình đối với UBND cùng cấp. Thái độ làm việc như vậy cần được thể hiện, để xóa đi cách làm của không ít HĐND địa phương bấy lâu nay - đó là thái độ cả nể, xuề xòa, dĩ hòa vi quý. Trên thực tế, một số đại biểu HĐND địa phương than vãn rằng, khi triển khai giám sát thậm chí họ không được cơ sở đến giám sát tiếp đón đúng mực. "Tất cả do hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát của chúng tôi" - một cán bộ HĐND địa phương bộc bạch. Chính vì vậy, đổi mới hoạt động giám sát cần phải làm từ việc chọn vấn đề, vụ việc cụ thể, được người dân quan tâm. Tiếp theo là khi triển khai phải truy đến cùng gốc gác của vấn đề, đến khi có kết quả cụ thể. Đó chính là cách HĐND thể hiện trình độ và năng lực làm việc, mà thực tế chỉ ra rằng, với trình độ, năng lực làm việc tốt, HĐND đương nhiên nhận được sự tôn trọng. Khi đó thì việc đòi hỏi thực thi kết luận giám sát cũng dễ dàng và hiệu quả hơn. Một khía cạnh khác cần phải được đề cập là HĐND các cấp, nhất là cấp quận trở xuống rất hạn chế sử dụng công cụ truyền thông để phục vụ cho nhiệm vụ của mình. Một số HĐND cấp quận rút ra kinh nghiệm là đối với bất kỳ đợt giám sát nào, sẽ rất hiệu quả khi tranh thủ được sự ủng hộ của cấp ủy, đồng thời thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị, đơn, thư khiếu tố của dân cũng cần được đổi mới. Mục tiêu là làm sao để cử tri khi tiếp xúc với đại biểu HĐND TP hay đại biểu Quốc hội không còn nêu những kiến nghị vượt cấp. Đây là việc khó, nhưng một khi các đại biểu HĐND thực sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác giám sát, thì cách thức đạt hiệu quả trong lĩnh vực này sẽ trở nên đơn giản.

Mới đây, phát biểu trong hội nghị tổng kết nhiệm kỳ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, hoạt động của cơ quan dân cử chỉ thực sự hiệu quả khi "cùng nhịp đập trái tim" của cử tri. Bài học quý báu này càng cho thấy, đổi mới hoạt động của HĐND các cấp không gì bằng là tập trung vào lĩnh vực liên quan mật thiết với dân, được dân chờ mong như giám sát, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn, thư khiếu tố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của HĐND các cấp: Cần đổi mới thực sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.