(HNMO) - Phiên xét xử đang tới phần xét hỏi thì tạm hoãn không rõ lí do, đây cũng là lần thứ 8 phiên tòa xử Tính bị hoãn, tính từ phiên sơ thẩm đầu tiên hồi tháng 1-2012.
Bị cáo Tính liên tục kêu oan trước ống kính của các phóng viên |
Theo bản án sơ thẩm, vào ngày 27-4-2011, bà Vũ Thị Hương (ngụ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) đang ở nhà may quần áo thì cháu gái hàng xóm là N.T.T.L (7 tuổi) kể lại việc bé và con gái bà là cháu B.T.N.L (6 tuổi) bị Hoàng Văn Tính (sn 1982 tại Bắc Giang, ngụ tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12) nhà cùng khu phố hiếp dâm. Bà này kể lại cho Trần Thị Luyện (mẹ bé gái hàng xóm) biết rồi tìm gặp hỏi chuyện thì Tính thừa nhận, hai bà đưa nghi phạm đến Công an phường Đông Hưng Thuận tố cáo.
Tại cơ quan điều tra, Tính khai nhận khoảng 9 giờ ngày 10-4-2011, khi đang dọn dẹp nhà thấy bé B.T.N.L nhà hàng xóm ngồi ở ghế đá, Tính liền kêu vào nhà chơi và nảy sinh ý đồ giở trò đồi bại. Xong chuyện, anh ta dặn bé gái không được nói với ai. Chiều hôm sau, Tính tiếp tục hành vi phạm tội lần 2 với bé N.T.T.L với phương thức tương tự.
Trong phiên xử đầu tiên hồi tháng 1-2012, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Tính 15 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tính đã làm đơn kháng cáo kêu oan, còn phía bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt. Đến tháng 7-2012, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị hủy án do việc hỏi cung bị cáo, lấy lời khai các bị hại vi phạm tố tụng. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên hủy án. Lý do là TAND TP Hồ Chí Minh căn cứ vào lời khai nhận tội của Tính, lời khai của các bị hại để kết tội anh ta là chưa có cơ sở. Ra tòa, bản thân Tính phản cung, kêu oan.
Sau khi có kết quả điều tra lại, tòa tiếp tục hoãn xử nhiều lần và trả hồ sơ để làm rõ các tình tiết. Mỗi lần ra tòa, Tính liên tục kêu oan. Anh ta khai bị đánh tại trụ sở công an phường, đau quá nên khai nhận theo ý họ. Trong đơn xin xem xét mà ông Hoàng Văn Sinh (cha Tính) gửi TAND Tối cao và VKS Nhân dân Tối cao khẳng định con ông bị đánh. Khi Tính được đưa về nhà sau buổi đến công an phường làm việc, ông Sinh cho rằng mặt con mình bị thâm tím, khi đi cần 2 người dìu đi.
Ngoài ra, ông Sinh cho biết về mốc thời gian trong ngày để khẳng định sự ngoại phạm của con trai mình. Theo ông, gia đình ông làm nghề chế biến và bán đậu hũ. Theo lịch làm việc, 5 giờ Tính phải chở cha đi bán ở chợ, rồi về chở mẹ đi bán chỗ khác. Sau đó Tính về chở em đi cùng bán với mình đến 10 giờ, rồi lần lượt đi đón cha và mẹ về. Cả nhà ăn trưa và nghỉ đến 15 giờ. Sau đó cả gia đình cùng làm công việc buổi chiều, chuẩn bị cho buổi bán sáng hôm sau như ngâm đậu, xay đậu, ra khuôn đậu, đến 18-19 giờ. Cứ thế, lịch trình ngày nào cũng vậy nên không thể có thời gian thực hiện hành vi phạm tội vào 9 giờ sáng ngày 10-4-2011 và 15 giờ ngày 11-4-2011.
Dự kiến, ngày 16-7 TAND TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xét xử vụ án này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.