Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện chính sách vượt trội

Tuấn Minh| 20/05/2023 06:08

(HNM) - Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong đó, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực trong một số lĩnh vực.

Đó là mục tiêu quan trọng mà Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đề ra. Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể là hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh…

Kết quả nửa nhiệm kỳ qua cho thấy, các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ ngày càng bám sát thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương, doanh nghiệp; từ đó lựa chọn và xác định được các nhiệm vụ có tính cấp thiết, ứng dụng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành công nổi bật là sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các đơn vị đối với phát triển khoa học công nghệ. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã quan tâm chỉ đạo công tác ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý; thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức.

Thế nhưng, cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế khi Hà Nội là trung tâm của các trường đại học, viện nghiên cứu, nơi hội tụ của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng chưa khai thác, tận dụng hiệu quả nguồn lực này để phát triển. Trong khi đó, việc xây dựng, ban hành một số đề án, kế hoạch, chuyên đề còn chậm so với tiến độ đề ra. Một số đề án, kế hoạch đã được thành phố phê duyệt, song việc phối hợp triển khai thực hiện và phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt nên kết quả triển khai thực hiện chưa rõ nét.

Mấu chốt của những bất cập trên chính là những rào cản về cơ chế chính sách cũng như sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các đơn vị liên quan về vấn đề này. Vì thế, để phát triển khoa học công nghệ trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, trước hết, chúng ta cần tạo đột phá từ cơ chế chính sách đối với lĩnh vực quan trọng này; trong đó cần hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cụ thể, Hà Nội hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu. Đồng thời, Hà Nội cần tạo đột phá từ cơ chế chính sách để huy động nguồn lực khoa học và công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu lớn trên địa bàn; và chú trọng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự phát triển của Thủ đô trên mọi lĩnh vực.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Trong đó, việc hoàn thiện chính sách vượt trội sẽ giúp thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước. Chỉ khi nào có cơ chế chính sách đủ mạnh, phát triển khoa học công nghệ mới tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chính sách vượt trội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.