LTS: Nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao cho đất nước trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cơ quan chức năng cần quan tâm hóa giải những bất cập, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng tự chủ, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động.
"Bức tranh" tổng thể của hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây cho thấy, có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút thí sinh, hấp dẫn doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, song cũng có nơi phải “đốt đuốc” tìm người học. Vậy, đâu là nguyên nhân?
“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
Trong vai phụ huynh, phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tìm hiểu về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề và cơ hội việc làm cho người học nghề. Tại Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), đội ngũ cán bộ tuyển sinh của nhà trường cho biết, đến ngày 15-9, trường đã cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu hệ cao đẳng. Một số ngành, nghề thị trường lao động đang cần như công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện công nghiệp… có số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu, trong đó có nhiều thí sinh đạt 20 điểm trở lên với 3 môn xét tuyển đại học của năm học 2019-2020.
Tân sinh viên Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Ninh Văn Chinh, thôn Liên Trì, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Em nhận thấy, việc lựa chọn học nghề gì, ở trường nào bảo đảm có việc làm phù hợp năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình thì đó là sự lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, em đã đăng ký học nghề cơ điện tử tại Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội”.
Khi đăng ký vào Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), các thí sinh và gia đình cũng được cam kết bằng văn bản về việc bảo đảm 100% học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Để đạt mục tiêu này, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đã, đang phối hợp với hàng trăm doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh đến tổ chức đào tạo và sắp xếp việc làm cho người học. “Nhờ sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, quy mô đào tạo của nhà trường tăng từ 820 vào năm 2010 lên hơn 5.000 học viên vào năm 2019. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt hơn 90%”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết.
Ngoài hai trường nêu trên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội và cả nước liên tục tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Có thể kể đến Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh); Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa); Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tỉnh Đồng Nai)…
Trái ngược với không khí nhộn nhịp tại một số trường nghề là hình ảnh thiếu vắng thí sinh tại không ít cơ sở tham gia đào tạo nghề. Đến trung tuần tháng 9-2019, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ tại Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chưa đạt 50% chỉ tiêu. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội Nguyễn Thị Thương Huyền, công tác tuyển sinh của trường ngày càng khó khăn, bởi nhóm ngành này có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, dẫn đến bão hòa trên thị trường lao động. Tương tự, đến nay, Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cũng chưa tuyển đủ người học.
Không riêng Hà Nội, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước rơi vào tình trạng khan hiếm thí sinh, buộc phải tạm dừng tuyển sinh. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trường Cao đẳng Nghề số 3 và số 5 thuộc Bộ Quốc phòng đã tạm ngừng tuyển sinh trình độ cao đẳng từ năm 2018.
Sớm tháo gỡ những bất cập
Trong những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của các nhà trường, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cho các nhà trường liên kết với doanh nghiệp, địa phương để nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc triển khai những chính sách này đang bộc lộ những điểm chưa phù hợp.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Văn Giang cho biết, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm đào tạo nhân lực cho đơn vị mình; đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Đây cũng là giải pháp căn bản, mấu chốt để đào tạo nghề theo sát nhu cầu của thị trường lao động. Hiện, các quy định của pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp, phải nhận lao động có bằng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp… Điều đó lý giải vì sao cả nước mới có khoảng 30% doanh nghiệp đồng hành với các nhà trường trong quá trình đào tạo nghề cho người lao động. Về phía người lao động, họ chưa thấy rõ những cơ hội việc làm sau khi học nghề, nên nhiều người chưa mặn mà tham gia học nghề.
Việc phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở được coi là giải pháp quan trọng, nhằm bổ sung nguồn đầu vào cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được triển khai bài bản. Thống kê từ 63 tỉnh, thành phố cho thấy, cả nước hiện mới có hơn 10% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn hình thức học văn hóa song song với học nghề. Trong khi đó, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, cả nước có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, mọi lĩnh vực, hoạt động, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp phải tạo dựng uy tín, thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh bằng sức mạnh nội lực. Cùng với đó là hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp phải phù hợp, thông thoáng, nhằm khuyến khích các bên liên quan chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.