Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ làng nghề bảo vệ môi trường

Bài và ảnh: Thúy Nga| 28/11/2012 06:29

(HNM) - Thành phố Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó 272 làng nghề được UBND TP cấp bằng công nhận làng nghề. Các làng nghề Thủ đô đã đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 626.000 người, trong đó số lao động tại các làng nghề là 412.500 người, chiếm gần 66% số lao động.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh không ngừng được mở rộng, các làng nghề đã khiến lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh ngày càng nhiều. Việc quản lý môi trường làng nghề còn nhiều bất cập, chồng chéo, đầu tư xử lý chất thải làng nghề chưa hiệu quả.

Các làng nghề chế biến nông sản huyện Hoài Đức gây ô nhiễm môi trường nặng nề.


Hiện nay, quy mô sản xuất của các làng nghề đa số nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, trình độ thủ công… Hầu hết các làng nghề đều gặp khó về mặt bằng sản xuất, đa số sản xuất tại hộ gia đình ngay trong khu dân cư. Thực tế đó dẫn đến tình trạng các làng nghề của Hà Nội hiện nay đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Các làng nghề chế biến nông sản, nấu rượu, giết mổ gia súc, gia cầm, ươm tơ, dệt nhuộm, sơn mài, khảm trai, mây tre giang đan, tái chế nhựa, giấy… đã gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai và không khí từ hoạt động sản xuất. Kết quả quan trắc môi trường tại một số làng nghề, hầu hết đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, hầu hết nước thải ra đều không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Hàm lượng chất ô nhiễm sinh hóa CDO, BOD5, SS… vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai), chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức)... là những điển hình của sự ô nhiễm mùi, khói bụi, tiếng ồn, nước thải.

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND TP Hà Nội đã xây dựng quy định chính sách hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề. Hà Nội đang tập trung di chuyển các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình, tìm giải pháp cho vấn đề này. Trong nhiều chương trình, đề án, dự án khắc phục ô nhiễm đang triển khai, phải kể đến dự án quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh VPEG do Chính phủ Canada tài trợ. Dự án bao gồm các hợp phần khác nhau nhằm xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường để quản lý ô nhiễm công nghiệp một cách có hiệu quả và triển khai mô hình thí điểm quản lý môi trường có sự tham gia của cộng đồng tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy. Tính ưu việt của mô hình này là có sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tại làng nghề.

Tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy đã thành lập đội tuyên truyền viên gồm đại diện UBND xã, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương và trực tiếp hộ sản xuất tham gia thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của dự án, UBND xã Thanh Thùy đã và đang tiến hành xây dựng quy ước bảo vệ môi trường, áp dụng thí điểm các biện pháp sản xuất sạch hơn cho một số cơ sở sản xuất trong làng nghề. Từ mô hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ nhân rộng ra các làng nghề khác trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề có sự tham gia của cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ làng nghề bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.