Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ học sinh học tại nhà khi có dịch Covid-19: Rèn kỹ năng, tăng ý thức

Thống Nhất| 15/04/2020 14:48

(HNNN) - Hơn hai tháng qua, cùng với các địa phương trên cả nước, các trường mầm non và phổ thông tại Hà Nội đều dừng tổ chức dạy học tập trung để bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, học sinh trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Cùng vượt khó duy trì việc dạy và học

Ngay từ những ngày đầu tháng 2-2020, khi các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội dừng tổ chức dạy học tập trung, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) là một trong những trường đầu tiên chủ động chuyển từ trạng thái dạy học trực tiếp sang dạy học qua mạng internet. Thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây không phải là việc khó khăn với giáo viên, học sinh bởi tất cả đã được làm quen với hình thức học này. Việc kết hợp giữa hình thức học trực tiếp với học trực tuyến đã được nhà trường triển khai từ 3 năm nay, đã đi vào nền nếp và có chất lượng ngay từ những buổi học đầu tiên.

Với mục tiêu tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, dù nằm ở địa bàn còn nhiều khó khăn song các trường học ở một số huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên... đã cố gắng xoay xở để hỗ trợ học sinh học tại nhà với hình thức phù hợp. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình chưa có máy tính, điện thoại thông minh... để con em có thể học tập qua mạng nên hầu hết các nhà trường đều thực hiện việc giao bài tập cho học sinh qua tin nhắn sổ liên lạc điện tử. Đôi khi, việc nhắn nhủ học sinh học bài còn được lồng ghép vào chương trình phát thanh trên loa tại các xã, các thôn...

Chính vì vậy, quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc tổ chức dạy học trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội nhận được sự hưởng ứng của học sinh, nhất là những em sinh sống ở địa bàn còn nhiều khó khăn. Cũng từ đây, thay vì chỉ tạm thời ôn luyện kiến thức cũ theo hướng dẫn của thầy, cô giáo, các em háo hức vì được học bài mới. Đây là chương trình nối tiếp với các bài học mà các em học dở dang trước khi nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bà Phùng Thị Len, phụ huynh học sinh Trường THCS Minh Châu (huyện Ba Vì) bày tỏ: Do chưa có máy tính có kết nối internet nên thời gian đầu gia đình tôi rất lo lắng, sợ con sẽ thiệt thòi so với các bạn. Tuy nhiên, đến giờ nỗi lo đã giảm nhiều bởi ngày nào con cũng được học trên đài truyền hình, lại có sự hỗ trợ thường xuyên của cô giáo. Còn em Lê Quang Phúc, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) chia sẻ: Chúng em không còn sốt ruột như thời gian đầu nghỉ học bởi có nhiều cách để học tập khi chưa thể quay lại trường như khi học qua truyền hình, học qua internet... 

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Từ ngày 9-3-2020 tới nay, Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát sóng chương trình “Học trên truyền hình” trên các kênh HTV1 và HTV2 để hỗ trợ học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 học tập tại nhà. Thời lượng phát sóng là 88 chương trình mỗi tuần, bảo đảm tiến độ kết thúc chương trình vào trước ngày 15-7-2020 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung bài dạy được thực hiện theo nội dung chương trình đã được tinh giản, bảo đảm để học sinh không bị quá tải, dễ tiếp cận trong bối cảnh hiện nay và đạt được các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Cộng đồng trách nhiệm

Trong bối cảnh chưa thể xác định thời gian học sinh có thể quay trở lại trường, các hình thức học tập từ xa được coi là giải pháp cần thiết, phù hợp và có thể áp dụng rộng rãi để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, vừa có thể đáp ứng tiến độ theo kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, để việc học tập bảo đảm tiến độ và đạt chất lượng như mục tiêu đề ra, cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía.

Ông Kiều Trọng Sỹ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ nhận định: Một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng dạy học qua mạng internet là đội ngũ giáo viên, bởi với không ít giáo viên của huyện, đây là lần đầu tiên họ thực hiện quy trình đầy đủ cho một bài giảng điện tử. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai tập huấn nhiều lần cho đội ngũ này, từ việc lựa chọn kiến thức trọng tâm, thu thập tài liệu có liên quan đến bài học đến lựa chọn phần mềm để tổ chức bài, biết cách khắc phục những hạn chế về chất lượng đường truyền... Tất cả quy trình đều phải hướng đến mục tiêu là giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tự giác học tập. Từ chỗ chỉ có khoảng 50% số học sinh học qua mạng internet, đến nay toàn huyện đã có gần 80% số học sinh THCS và gần 70% số học sinh tiểu học tham gia học tập qua mạng internet.

Chuyển biến đáng chú ý nhất là kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều gia đình đã có sự điều chỉnh đáng kể, đặc biệt là thói quen sinh hoạt hằng ngày có liên quan đến con cái. “Khi có nhiều thời gian ở nhà, theo dõi các giờ học của con trên truyền hình, qua mạng internet, tôi không chỉ cảm nhận sự nỗ lực của cô giáo khi cố gắng bằng nhiều cách để giúp các em không bị quên kiến thức, bị mất nếp học khi nghỉ học quá nhiều, mà còn thấy bản thân mình còn thiếu sót, chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ con tối đa. Gia đình tôi đã điều chỉnh nếp sinh hoạt, quan tâm động viên con trong các giờ học tại nhà. Điều thấy rõ là con đã hào hứng hơn trước mỗi giờ học...” - bà Mai Thị Tình, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thạch Bàn B (quận Long Biên) bày tỏ.  

Với những trải nghiệm thực tế qua hai tháng hỗ trợ học sinh học tập bằng nhiều hình thức như qua internet, trên truyền hình, thầy giáo Nguyễn Công Đức, giáo viên chủ nhiệm lớp 8B, Trường THCS Quảng An (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là sự đồng hành của phụ huynh học sinh trong việc chung tay với thầy, cô giáo để động viên, nhắc nhở con trong mỗi giờ học hằng ngày. Cũng chính nhờ sự đồng hành của phụ huynh mà lớp tôi đã duy trì tỷ lệ 100% học sinh tham gia học trực tuyến trong nhiều tuần”.

Em Trần Anh Tuấn, học sinh Trường THCS Liên Phương (huyện Thường Tín) cho hay: Việc học qua internet hoặc trên truyền hình có hạn chế là không được tương tác nhiều như khi học trực tiếp với thầy, cô, song cách học này rèn cho chúng em ý thức tự giác, nghiêm túc, không trông chờ vào sự giám sát, nhắc nhở của người lớn. 

Liên quan đến việc tổ chức các hình thức học tập từ xa cho học sinh trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin: Mặc dù còn khó khăn, song để bảo đảm chất lượng dạy học, tạo động lực cho học sinh, Sở yêu cầu các nhà trường thực hiện đồng thời việc tổ chức dạy học từ xa và kiểm tra, đánh giá trong quá trình học tập của học sinh chứ không chờ đến khi học sinh quay trở lại trường mới kiểm tra, đánh giá. Khảo sát cho thấy, khó khăn chủ yếu hiện nay là học sinh còn thiếu thiết bị học tập. Với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh..., những khó khăn trong việc dạy học qua internet sẽ sớm được giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ học sinh học tại nhà khi có dịch Covid-19: Rèn kỹ năng, tăng ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.