(HNM) - Chủ động hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để khai thác tốt hơn nguồn lực phát triển là chủ trương lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, số hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa như mong muốn. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết kết quả đăng ký doanh nghiệp thời gian qua và số lượng hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội?
- Những năm qua, xu hướng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, gia tăng nguồn lực phát triển và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Chỉ tính năm 2019, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 27.114 đơn vị thành lập mới, với số vốn đăng ký 386.449 tỷ đồng, tăng 8% về số lượng doanh nghiệp so với năm 2018. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 48 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Dù chưa có con số thống kê thêm ở các quận, huyện, song có thể thấy, kết quả chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp còn hạn chế.
- Vậy, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Theo tôi chủ yếu do các hộ kinh doanh chưa mặn mà với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp, bởi còn phải cân nhắc, hài hòa giữa lợi ích với các quy định phải đáp ứng khi chuyển thành doanh nghiệp, nhất là xét về yêu cầu quản trị, nhân lực, vốn, công nghệ... Vấn đề ở đây phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi hộ kinh doanh. Về phía cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chuyển đổi.
Hà Nội có khoảng 300.000 hộ kinh doanh (có đăng ký). Khi hộ kinh doanh có niềm tin vào tương lai, có nhu cầu phát triển, đồng thời nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ cơ quan quản lý, tin rằng số hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng.
- Ông có thể cho biết, các chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp?
- Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc cải cách, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trên thực tế, dư luận đã đánh giá cao kết quả này và một số tỉnh, thành phố khác đã tham khảo bài học thực tiễn, tiếp nhận kinh nghiệm của Hà Nội trong vấn đề này. Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã triển khai mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, hướng đến nền hành chính phục vụ. Chúng tôi đã bố trí một bộ phận cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội để tư vấn, hỗ trợ soạn thảo hồ sơ miễn phí cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, sức đóng góp của các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp?
- Cần nhắc lại rằng, trong 4 năm gần đây (từ năm 2016 đến năm 2019), trên địa bàn Hà Nội đã có 100.850 doanh nghiệp thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình tăng 9,7%/năm. Hiện tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên tới 279.656 đơn vị. Bình quân cứ 35 người dân Thủ đô có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân cả nước. Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tăng từ 45,9% năm 2015 lên khoảng 51,5% năm 2019, trở thành khu vực dẫn đầu về vốn đầu tư. Điều này cho thấy, tiềm năng cũng như sự sẵn sàng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn là khá lớn.
Từ đó, chúng tôi xác định cần tập trung khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp để lực lượng này đóng góp nhiều hơn vào kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung. Thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, trong đó nhấn mạnh một số lợi ích thiết thực khi thành lập doanh nghiệp, như các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận nguồn vốn, quyền thế chấp tài sản; đặc biệt là tính minh bạch và tư cách pháp nhân trong giao dịch với đối tác trong, ngoài nước...
- Vậy trong năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp gì để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp?
- Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là hướng đi đúng, hướng tới mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ, bởi người khởi nghiệp ít nhiều vẫn còn những khó khăn ban đầu bên cạnh sự hạn chế về năng lực quản trị, kế toán. Do đó, cần chú trọng vào công tác tư vấn, tuyên truyền, đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thông tin về thị trường và quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người đăng ký thành lập doanh nghiệp. Năm 2020, phấn đấu có 15% trong số 170.000 hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Mục tiêu quan trọng của năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chủ yếu dựa vào động lực là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Để đạt mục tiêu trên, việc cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.