(HNM) - Doanh nghiệp tồn tại, phát triển là vấn đề quan trọng, trước hết đối với mỗi doanh nghiệp, sau là tác động đến quy mô, sức mạnh của cả nền kinh tế. Tìm ra giải pháp và triển khai kịp thời, quyết liệt giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển vẫn là “mẫu số chung” đối với các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phải đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những tác động bất lợi của kinh tế thế giới.
Gia tăng khả năng chống chịu
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn, để ứng phó trước dịch Covid-19, mỗi doanh nghiệp đều lựa chọn những hướng đi riêng, những giải pháp cấp bách để nỗ lực duy trì hoạt động, đợi thời cơ phát triển trở lại. Song, cũng có nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, rời khỏi thị trường do bị giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, bị gián đoạn chuỗi cung ứng... Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp mới có thời gian thành lập dưới 5 năm dễ bị tổn thương nhất do sức chống chịu hạn chế, nguồn lực lại mỏng. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê năm 2020 có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Năm 2021 là năm có số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao nhất, gần 119.800 đơn vị.
Song, thực tế cũng cho thấy sự kiên cường, vượt khó để tồn tại qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công xác nhận, ngoài sự cố gắng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí vượt lên hoàn cảnh để sinh tồn trong tình huống rất khó khăn.
“Mỗi doanh nghiệp đã và đang tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với khó khăn, dần phục hồi, phát triển. Nhiều đơn vị đã suy ngẫm lại chiến lược, bắt tay tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn nhân lực. Không ít doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng trong nước”, ông Phạm Tấn Công nhận xét.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho rằng, các doanh nghiệp đã tập trung đa dạng nguồn cung cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm; chấp nhận những đơn hàng yêu cầu cao về mẫu mã và chất lượng, chấp nhận cả việc làm hàng đơn chiếc cũng như các điều kiện khác để tìm kiếm thêm đơn hàng. Từ chỗ có lúc “ăn đong” công việc, nhiều doanh nghiệp ngành Dệt may vẫn cố gắng giữ chân người lao động để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất.
Theo báo cáo “Tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp” do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện, có 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết đã triển khai một hoặc nhiều biện pháp ứng phó. Đặc biệt là chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn; dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu, thay thế chuỗi cung ứng đồng thời tranh thủ thời gian để chuyển đổi số, chờ thời cơ bứt phá.
"Bức tranh" đang sáng hơn
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2022 cả nước có thêm 178.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu trên cho thấy thị trường đang ấm lên, "bức tranh" doanh nghiệp cũng ngày càng sáng hơn. Tuy nhiên, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Đó là một số ngành xuất khẩu chủ lực sụt giảm đơn hàng do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát tại nhiều thị trường lớn. Cùng với đó là biến động tỷ giá, lãi suất khiến doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến dòng tiền...
Trước khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang cố gắng “chạy” nhanh hơn, quyết tâm hơn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đinh Cao Khuê cho hay, nhiều đơn vị đang tranh thủ xuất hàng vào thị trường châu Âu, với 500 triệu dân và nhu cầu lớn về các loại rau quả nhiệt đới. “Doanh nghiệp xác định phải làm tốt hai vấn đề là chất lượng hàng hóa và giá thành hợp lý. Mặt khác, doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất lớn để có thể áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, từ chăm sóc cây trồng đến chế biến, tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh”, ông Đinh Cao Khuê nêu.
Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, những giải pháp doanh nghiệp áp dụng để ứng phó khá đa dạng, chủ yếu thông qua việc tăng cường năng lực quản trị nội bộ, tăng năng suất lao động, lựa chọn phương án sản xuất linh hoạt, kết hợp tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới… Các doanh nghiệp cũng trông chờ vào sự hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ, cơ quan chức năng để phục hồi, tăng trưởng rõ rệt hơn. Cụ thể là các bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin về biến động, xu hướng thị trường xuất, nhập khẩu lớn, kèm theo đánh giá cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng. Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... Đặc biệt là tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trực tuyến hóa thủ tục có ảnh hướng lớn tới cộng đồng doanh nghiệp.
Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Trần Thị Hồng Minh, một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, đó là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách để đáp ứng yêu cầu hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi việc này sẽ tạo không gian để doanh nghiệp phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.